Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Kinh nghiệm làm bài thi tuyển sinh lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mai (11-6), hơn 68 ngàn thí sinh tại TP.HCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017. Dưới đây là những hướng dẫn của giáo viên nhằm giúp các em làm tốt bài thi.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm rồiẢnh: D.Bình

Được phần nào, chắc phần đó

Theo cô Nguyễn Lê Thu Phương (giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, Q.3), ở thời điểm này các em không nên ôn tập thêm kiến thức mà chỉ nên tập trung rà soát lại những phần kiến thức đã ôn tập được. Tâm lý của nhiều em thường “chạy đua” ở những ngày cuối theo kiểu “được thêm phần nào hay phần đó”. Thật ra việc ôn tập thêm kiến thức bây giờ chỉ gây ra sự lo âu, căng thẳng thêm nên điều duy nhất các em có thể làm vào thời điểm này là hệ thống lại những gì mình đã ôn tập, rút ra kinh nghiệm hữu ích để “được phần nào, chắc phần đó”. Để tạo tâm lý thoải mái, ổn định trước kỳ thi, các em nên ăn uống đầy đủ, dành thời gian để nghỉ ngơi, không nên quá lo lắng suy nghĩ việc đề thi năm nay ra thế nào, cũng không nên thức quá khuya để canh xem đề thi có… bị lộ hay không. Khi vào phòng thi, các em cũng không nên có tư tưởng mang theo tài liệu trong người để “phòng có khi dùng được”, vì việc mang theo tài liệu vào phòng thi là vi phạm quy chế, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật. Hơn nữa, nếu mang tài liệu vào phòng thi, tâm lý các em sẽ bất an, không những không tự tin khi làm bài mà còn tạo tâm lý ỷ lại vào tài liệu, không tự mình suy nghĩ ra cách giải quyết vấn đề khúc mắc trong bài thi.

Khi làm bài thi, các em cần tránh việc đọc đề xong là cắm đầu làm một mạch từ đầu đến cuối. Các em nên dành 1-2 phút cho mỗi câu hỏi để suy nghĩ và viết ra nháp phương pháp giải, các bước cần làm, các ý cần thiết trong bài để tránh thiếu sót dẫn đến mất điểm. Khi làm bài nên làm từ bài dễ đến bài khó để không mất nhiều thời gian, ghi được điểm tốt và tạo tâm lý thoải mái, tập trung tư duy hơn để làm các câu hỏi khó. Bài thi cần trình bày sạch sẽ, ngắn gọn, cố gắng không tẩy xóa nhưng phải đầy đủ các lời giải để người chấm hiểu được cách làm, bước làm của mình. Lưu ý không làm tắt, tránh bỏ qua những lời giải cần thiết vì có thể khiến các em mất đi 0,25 điểm.

Không nên thảo luận sau mỗi môn thi

Thầy Đào Duy Hải (giáo viên Trường THCS Lạc Hồng, Q.10) cho hay, những câu khó thường nằm ở phần cuối để phân loại thí sinh và thường chiếm 2-3 điểm. Đây là những câu đòi hỏi mất nhiều thời gian và trí tuệ nên các em phải tập trung suy nghĩ tìm hướng giải. Trong quá trình làm bài thi, nhất là với môn toán, mỗi ý đúng đều có điểm nên việc viết thêm lời giải để có thêm 0,25 điểm nhiều khi không quá khó. Khi trình bày vào bài thi, các em cần viết rõ các ý, tránh mập mờ, gây hiểu lầm.

Khi kết thúc một môn thi, các em không nên kiểm tra giấy nháp hay thảo luận về bài làm đã nộp vì việc phát hiện sai lầm nào đó trong quá trình làm bài sẽ gây ảnh hưởng tâm lý ở các môn thi tiếp theo. Sau kỳ thi, các em sẽ còn nhiều thời gian để làm việc này. Trong trường hợp nếu làm bài không tốt ở môn thi này, các em phải giữ tâm lý vững vàng để tiếp tục dồn sức cho các môn thi sau.

Đối với bài thi môn tiếng Anh, các em nên dành 20 phút sau khi nhận đề đọc lướt qua đề thi, đồng thời làm luôn những câu chắc chắn đúng 100%. Lưu ý là nếu chắc chắn câu nào, các em nên ghi luôn vào bài, không nên làm trên đề thi hoặc ghi ra giấy nháp để tránh việc quên ghi vào bài làm. Khi làm xong bài, các em nên dành thời gian xem lại bài thi và hoàn thiện nốt các câu chưa làm, tuyệt đối không để trống bất cứ câu nào.

Ngọc Anh (ghi)

Bình luận (0)