Những người làm phim truyền hình luôn tồn tại thử thách làm thế nào để lôi cuốn khán giả từ tập phim đầu tiên và níu chân họ đến tập cuối cùng. Thành công không ít và thất bại thậm chí còn nhiều hơn.
Phim Thông gia ngõ hẹp bị đánh giá dài dòng, luẩn quẩn
“Chìa khóa” giữ chân khán giả
Nhà sản xuất (NSX) Vũ Thị Bích Liên từng nêu quan điểm: “Với phim truyền hình, để thu hút khán giả theo dõi qua mỗi tập đòi hỏi cách xử lý khéo léo của nhà làm phim. Làm sao để mỗi tập khi quay, dựng phải có cái gì đó để khán giả xem được, xem tiếp”.
Đạo diễn Võ Thạch Thảo thì cho rằng, nhân vật hay, gần gũi sẽ tạo ra câu chuyện. Việc của nhà làm phim là thiết lập được mối quan hệ giữa nhân vật và khán giả, ngay từ những phút đầu tiên nếu đảm bảo được yếu tố độc đáo, thú vị, hấp dẫn sẽ đưa khán giả bước vào thế giới của phim. Còn giữ chân họ được hay không chính là nhờ câu chuyện nhanh, gọn, súc tích.
Để níu chân khán giả, nhiều người nghĩ ngay đến tính drama. Theo NSX, diễn viên Hồng Ánh “drama là những xung đột, kịch tính trong tâm lý”. Còn góc nhìn của đạo diễn Võ Thạch Thảo thì đó là “kịch tính, sự lên xuống tạo sức hút và hấp dẫn người xem”. Quan điểm của biên kịch Đinh Hoàng Ngọc Khanh (phim Giấc mơ của mẹ): “Drama, theo tôi đó là câu chuyện mình muốn kể là gì. Nó không có nghĩa chỉ là buồn, bi kịch. Vui cũng có thể là drama. Không ai muốn coi bộ phim không có câu chuyện”.
Áp dụng công thức nói trên vào một số trường hợp cụ thể sẽ đánh giá được mức độ thành công các phim gần đây. Như trường hợp của Hành trình công lý, ngay tập mở màn biến cố dồn dập của nhân vật Hoàng (Việt Anh) đã lôi cuốn khán giả. Các tập sau đó, từng nút thắt và cao trào dần được mở khi các mối quan hệ của nhân vật chính phát triển rộng và sâu hơn. Ngược lại, với Thông gia ngõ hẹp, ngay từ tập đầu đã đi vào vòng luẩn quẩn vì câu chuyện “đối đầu” của hai gia đình và các thành viên được xây dựng cũ kỹ, kịch tính cũng nhạt nhòa. Lại có trường hợp phần mở đầu rất hấp dẫn và kịch tính như của Đấu trí, nhưng một số thời điểm phim bị chùng xuống, các chi tiết chậm và dài dòng. Ngay cả đoạn kết cũng diễn ra quá chóng vánh.
Biết mình, biết ta
Để có từng phân đoạn, từng tập phim và cả tổng thể tốt là sự tổng hòa của nhiều thành phần, yếu tố khác nhau từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên… Biên kịch Ngọc Khanh đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng nhân vật, chị khẳng định: “Tôi luôn cho rằng nhân vật là quan trọng nhất trong phim. Nhân vật khác nhau sẽ tạo nên câu chuyện khác nhau”. NSX Bích Liên cho rằng, toàn bộ các khâu trước đó dù chuẩn bị kỹ đến đâu nhưng diễn viên nếu không diễn tốt, đạo diễn cũng không thể làm gì được.
Cũng theo Hồng Ánh, mỗi diễn viên luôn phải giữ sự chỉn chu, trước khi diễn phải thuộc thoại để có thời gian đầu tư vào tương tác, kết nối với bạn diễn; có sự nhấn nhá trong diễn xuất nhằm chọn đúng điểm rơi cảm xúc; quan sát, học hỏi… Vai trò của người đạo diễn cũng cực kỳ quan trọng khi phải nhìn thấy được sự không phù hợp và có những điều chỉnh kịp thời.
Trên thực tế, ai cũng hiểu từ kịch bản trên giấy ra đến hiện trường và cuối cùng thành quả bộ phim là cả chặng đường dài. Biên kịch Ngọc Khanh nêu thực trạng hiện nhiều biên kịch thậm chí còn không đủ thời gian để xây dựng những chi tiết, phân đoạn hay, bởi phải chạy đua theo tiến độ làm phim. Việc yếu và thiếu những kịch bản hay cũng là nguyên nhân khiến dòng phim remake (làm lại) đang nở rộ.
Từng thực hiện Gạo nếp gạo tẻ và Cây táo nở hoa, đạo diễn Võ Thạch Thảo cho rằng, làm phim remake là cơ hội để học hỏi và ở đó cũng có những bài học đau thương, nhớ đời. Có không ít trường hợp, phim remake nhận phải chỉ trích nặng nề do sự khác biệt về văn hóa, xã hội, thậm chí cả về quan điểm đạo đức giữa nền văn hóa tạo nên phim gốc với văn hóa Việt Nam.
“Việc làm phim remake là bất đắc dĩ, bởi nhiều kịch bản trong nước chỉ đưa ra vấn đề, thiếu sự đào sâu dẫn đến dàn trải. Và, khuyết điểm ấy được bù đắp ở các phim remake khi bản thân bộ phim gốc đã có cấu trúc kịch bản tốt và chắc chắn, hệ thống nhân vật gần gũi và có sức sống mạnh”, đạo diễn Võ Thạch Thảo cho biết.
Theo Văn Tuấn/SGGPO
Bình luận (0)