Cuối tuần qua, tại Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển GD-ĐT và giáo dục (GD) nghề nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Qua các ý kiến tại hội thảo cho thấy, GD-ĐT vùng ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn, nhất là GD mầm non và công tác phân luồng sau THCS…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội thảo |
Chỉ tiêu quá xa thực tế
Theo dự thảo đề án về phát triển GD-ĐT và GD nghề nghiệp vùng ĐBSCL, đến năm 2020 toàn vùng phấn đấu huy động trẻ từ 0-2 tuổi vào nhà trẻ đạt 18%; trẻ 3-4 tuổi vào mẫu giáo đạt 85%, trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%.
Với các chỉ tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng quá cao so với thực tế. Chẳng hạn ở mầm non phải huy động trẻ từ 0 đến 4 tuổi ra lớp quá cao, trong khi các địa phương đang tập trung trường lớp và đội ngũ GV cho phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Ông Đặng Hồng Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – phân tích: “Chỉ tiêu 18% trẻ từ 0-2 tuổi và 85% trẻ 3-4 tuổi đi học là rất khó cho Cà Mau. Ngoài việc thiếu trường lớp, GV, đặc trưng khu vực là vùng sông nước, nhiều kênh rạch, dân cư phân bố không tập trung, sống rải rác theo các trục kênh. Người dân ở xa không muốn đưa con đến trường (phần lớn các trường đặt tại trung tâm xã), thêm nữa là tập quán bà con nông thôn người lớn đi làm, người già ở nhà trông cháu. Cà Mau cần khoảng 6 tỷ đồng để mở các phân hiệu, tuy nhiên có những vùng chỉ có 2, 3 trẻ trong độ tuổi nên không thể mở phân hiệu”.
Hiện nay các địa phương ở ĐBSCL đều thiếu GV mầm non. Để chữa cháy, các trường hợp đồng GV nhưng chỉ trả lương, không có nguồn kinh phí đóng bảo hiểm xã hội. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây thêm trường lớp và Bộ Nội vụ bổ sung biên chế GV mầm non và GV tiểu học để có nhân lực mở lớp 2 buổi và bán trú. Ông Trần Hoàng Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, đề xuất: “Hàng trăm ngàn em có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp, trong đó có nhiều SV sư phạm. Tôi đề nghị bổ sung nguồn SV tốt nghiệp sư phạm cho ngành mầm non. Dù đặc điểm tâm sinh lý đối tượng HS các cấp khác nhau nhưng với SV tốt nghiệp ĐH Sư phạm thì việc tập huấn về tâm sinh lý trẻ cũng thuận lợi. Vấn đề là cần có chính sách phù hợp để thực hiện việc chuyển đổi này”.
Các trường “tranh nhau” HS
Vấn đề sôi nổi nhất trong hội thảo là chỉ tiêu phân luồng và học nghề, nếu gộp đào tạo TC chuyên nghiệp và đào tạo nghề ngắn hạn, ĐBSCL phải đạt 30% HS học nghề sau tốt nghiệp THCS. Đây thực sự là thách thức đối với các địa phương bởi hiện toàn vùng chỉ đạt 2,3% chỉ tiêu phân luồng theo QĐ 1033/QĐ-TTg. Chẳng hạn như An Giang, Sở GD-ĐT tỉnh lập đề án phân luồng: 70% HS sau THCS vào trường THPT công lập, 30% còn lại học nghề, trường tư thục và trung tâm GD thường xuyên (TTGDTX). Kết quả, sau vài năm thực hiện chỉ có 2% HS học TC nghề, 0,46% học TC chuyên nghiệp.
Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, bức xúc: “Dù học xong cất bằng để đi làm công nhân trong các công ty, hoặc xuống học TC để dễ kiếm việc nhưng nhiều HS vẫn cố gắng vào ĐH”. Đồng quan điểm, ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, cho rằng: “Cần có quy định rõ ràng, cụ thể về công tác phân luồng. Nhiều trường THPT hạ điểm chuẩn tuyển sinh để thu hút HS. Nhiều nơi 100% HS học xong THCS đều vào THPT, không còn đối tượng để học nghề. Trường ĐH mới thì liên tục thành lập, trong đó nhiều trường xét tuyển dưới mức điểm sàn, HS vào học dễ dàng nên các em sẽ ưu tiên chọn học ĐH”.
Mặt khác chất lượng đội ngũ GV dạy nghề vừa thiếu vừa yếu cũng ảnh hưởng đến công tác phân luồng. Ông Hồ Minh Triết, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang, tâm tư: “Dạy nghề khó thu hút người học vì học xong nhiều học viên không thể sinh sống bằng tay nghề của mình. Thật sự, SV từ các trường ĐH nghề ra trường chỉ giỏi về lý thuyết, rất yếu kỹ năng thực hành. GV thực hành không giỏi thì người học làm sao làm được nghề?”.
Ông Đặng Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nêu thực trạng: “Tỉnh Cà Mau có nhiều trung tâm dạy nghề bỏ không vì không có GV và người học. Nhiều GV dạy nghề giỏi không nhận dạy vì lương thấp, họ ra ngoài mở cơ sở làm ăn có hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Hầu hết ngành đào tạo là kế toán, tin học, trong khi nghề địa phương cần như máy nổ thì không mở”…
Những bất hợp lý trên khiến nhiều trung tâm dạy nghề được đầu tư trang thiết bị hàng chục tỷ đồng nhưng để không, tạo ra sự lãng phí rất lớn cho xã hội.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, thẳng thắn: “Mấu chốt của vấn đề phân luồng là chúng ta cần giải quyết cho được bài toán kinh tế – xã hội và tâm lý xã hội. Chẳng hạn Hoa Kỳ, khoảng 30-40% HS chọn học nghề vì khi ra trường đều có việc làm, lương cao, đủ sống và có tích lũy. Chỉ 10% tiếp tục học lên tiến sĩ. Tôi cho rằng việc lựa chọn ngành học, bậc học là quyền của HS và gia đình, chúng ta không nên ép HS, đặc biệt là buộc các em học nghề chỉ nhằm mục đích để các trung tâm dạy nghề tồn tại”.
Ghi nhận những đóng góp của đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sẽ xem xét đưa vào dự thảo để những mục tiêu đề ra phù hợp thực tiễn và không chênh lệch nhiều. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Sau khi điều chỉnh, ngày 20-6 chúng tôi sẽ gửi văn bản đến các địa phương để lấy ý kiến đóng góp. Ngày 30-6, Ban soạn thảo trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ”…
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)