Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thí sinh lo một, phụ huynh lo mười

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đợi con bên ngoài điểm thi (ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Du)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017 tại TP.HCM diễn ra trong hai ngày 11 và 12-6 với hơn 68 ngàn thí sinh dự thi. Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu đến độc giả những hình ảnh bên lề kỳ thi năm nay.

Phụ huynh lau mồ hôi, dặn dò TS trước khi vào phòng thi (ảnh chụp tại điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình)
TS trao đổi với phụ huynh về đề thi môn văn tại điểm thi Trường THCS-THPT Diên Hồng

Là một trong những thí sinh đến sớm nhất ở điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) trong cả hai ngày thi, em Nguyễn Thùy Linh (học sinh lớp 9/3 Trường THCS Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình) chia sẻ: “Thi môn nào em cũng đến trường rất sớm vì sợ đi đường bị kẹt xe. Đến sớm, em có thể tranh thủ ngồi ôn bài cùng các bạn nữa”.

Các TS vui mừng sau khi thi môn toán tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du

Trong khi thí sinh đi thi với tâm trạng lo lắng, thì bên ngoài cổng trường, phụ huynh cũng hồi hộp không kém. Chị Vũ Thu Nga (Q.5), một phụ huynh đưa đón con, cho biết: “5 giờ sáng, con tôi đã thức giấc và nôn nao đến địa điểm thi. Con đi thi mà ba mẹ cũng thấp thỏm, lo âu. Tôi chỉ mong con thi tốt để được học ở một môi trường tốt, được rèn luyện nhiều kỹ năng”. Con gái đi thi, cả hai vợ chồng chị Nga đều đến điểm thi Trường THPT Nguyễn Du để ngồi đợi con.

Có thể nói kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM khép lại với nhiều cảm xúc xen lẫn của các thí sinh và phụ huynh.

Bài, ảnh: Yên Hà

NHẬN XÉT ĐỀ

Môn văn: Đề thi môn văn năm nay ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nhìn chung là vừa sức, không quá khó. Cụ thể, câu 1 phần đọc hiểu sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa và câu 3 có yêu cầu so sánh nhân vật trong tác phẩm với tác phẩm khác hoặc thực tế đời sống khá hay, loại bỏ được cách học tủ, học vẹt hay dạy văn mẫu. Với câu 2 nghị luận xã hội: Khác với đề thi những năm trước đây thường là nghị luận về những hiện tượng xã hội mang hơi thở, gần gũi với cuộc sống. Năm nay dạng đề không mới, thuộc dạng nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Ở câu 3, học sinh cũng dễ nhầm lẫn nếu không đọc kỹ đề sẽ cảm nhận về nhân vật trong cả tác phẩm mà không chú ý khai thác đoạn trích mà đề yêu cầu. Với cách ra đề như vậy đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức, biết vận dụng sáng tạo mới có thể đạt 7-8 điểm.

Nguyễn Thị Hiền 
(Tổ trưởng bộ môn ngữ văn,
Trường THCS Nguyễn Du, Q.1)

Môn tiếng Anh:  Đề thi vừa sức học sinh. Nội dung kiểm tra sát với chương trình lớp 9 mà các em đã học và ôn tập. Kiến thức dàn trải từ chương trình học kỳ 1 qua học kỳ 2, tuy nhiên không khó. Một số câu kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Anh của học sinh nằm ở chương trình SGK tiếng Anh lớp 8. Phần kiểm tra kiến thức xã hội, liên hệ thực tiễn được lồng ghép nhẹ nhàng, dễ hiểu. Do đó học sinh trung bình có thể đạt điểm 6-7; học sinh khá giỏi có thể đạt điểm 8-9. Nếu đọc kỹ đề và làm bài cẩn thận, các em hoàn toàn có thể đạt trọn điểm bài thi. 

Nguyễn Ngọc Bích Hà 
(Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh,
Trường THCS Nguyễn Du, Q.1)

Môn toán: Đề thi năm nay có tính phân hóa tốt, cho nên sẽ phân loại được học sinh để tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi có cái mới là có thêm nội dung toán thực tế về vấn đề “lãi suất ngân hàng”. Dạng đề này học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn tập, nên không có gì bỡ ngỡ, mà ngược lại còn tạo được sự hào hứng cho các em.

Với kết cấu gồm 2 phần (phần đại số chiếm 6,5 điểm và phần hình học chiếm 3,5 điểm), nhìn chung đề thi có nội dung hay, rộng, tính phân hóa tốt. Tuy so với học sinh bình thường thì đề có hơi dài, nhiều em làm không kịp, chỉ những em giỏi thực sự mới có thể làm hết; nhưng vì để có tính phân hóa để tuyển sinh cho nên kết cấu như vậy cũng hợp lý. Theo tôi, với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm, học sinh khá có thể đạt 7 điểm, và học sinh giỏi có thể đạt trên 8 điểm.

Nguyễn Thanh Tùng 
(Tổ trưởng bộ môn toán,
Trường THCS Lạc Hồng, Q.10)

Bích Vân (ghi)

 

Bình luận (0)