Từng trường ĐH xét tuyển độc lập thì khả năng ảo rất cao, thay vào đó, các trường có thể hình thành nhóm xét tuyển để giảm ảo.
Thí sinh thi THPT quốc gia năm trước tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khuyến khích điều này trong chuyến làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mới đây, đồng thời ủng hộ đề nghị của nhà trường đối với việc áp dụng phương thức thi đánh giá năng lực tương tự như ĐH Quốc gia Hà Nội. Bộ trưởng cho rằng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với vai trò trụ cột đứng ra lập nhóm xét tuyển riêng sẽ tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, nhà trường và học sinh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm mà Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện dứt điểm trong thời gian tới là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Thời gian qua, số trường ĐH, CĐ thành lập khá nhiều, đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, phải quy hoạch lại. Trong đó, những trường nào đầu tư có chất lượng sẽ đầu tư thêm, những trường yếu kém có thể sáp nhập, giải thể để mạng lưới các trường ĐH, CĐ được gọn nhẹ, chất lượng. Riêng đối với hệ thống 117 cơ sở đào tạo sư phạm trên cả nước, sẽ chọn ra 8-9 cơ sở lớn, số còn lại sẽ trở thành phân hiệu nhằm tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng.
“Một trong những vấn đề trọng tâm mà Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện dứt điểm trong thời gian tới là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH, CĐ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói. |
Để nhóm các trường sư phạm tập trung vào một số trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng phân tán như hiện nay, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước hết cần chuẩn các trường sư phạm và trên cơ sở chuẩn này rà soát, quy hoạch lại. Cả giáo viên từ mầm non đến phổ thông và giảng viên ngành sư phạm cũng phải rà soát điều chỉnh lại theo chuẩn mới để phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện của toàn ngành. Trong đó, đội ngũ giảng viên ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phải đóng vai trò chủ chốt, tham gia vào rà soát đánh giá, xây dựng các bài giảng để bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, vấn đề tăng cường năng lực ngoại ngữ cũng được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc học ngoại ngữ rất cần thiết, trước hết ưu tiên tiếng Anh, tiếp cận dần từ bậc mầm non cho tới tiểu học và trung học sao cho hết bậc học này học sinh về cơ bản có thể sử dụng được tiếng Anh. Khi tiếng Anh tốt thì điều kiện hội nhập sẽ tốt.
Về vấn đề tự chủ ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tự chủ không phải để giảm gánh nặng ngân sách, càng không phải cơ hội cho các trường ĐH mở rộng quy mô đào tạo mà để các trường có quyền tự quyết những vấn đề của mình trong nâng cao chất lượng. Việc tự chủ có gắn với giải trình, hiện Bộ GD-ĐT đang làm việc với các trường ĐH và chuẩn bị trình Chính phủ nghị định về tự chủ ĐH. Sắp tới, bộ cũng sẽ triển khai kiểm định các đơn vị giáo dục để công khai trên mạng, góp phần vào minh bạch chất lượng.
Đặc biệt, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Hiện nay, cả nước có 1,3 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, rất nhiều giáo viên đang gặp khó khăn cả về điều kiện làm việc lẫn chế độ đãi ngộ, công việc chuyên môn, tiếp cận vấn đề về đổi mới.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Hồng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã kiến nghị Bộ GD-ĐT thực hiện tách chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho các trường sư phạm khỏi chỉ tiêu chung của Đề án 911 như hiện nay. Đồng thời, kiến nghị bộ đầu tư cho các trường sư phạm công nghệ thông tin đủ để thực hiện đổi mới giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông, trong đó có hạ tầng cơ sở vật chất để các trường có thể xây dựng bài giảng trực tuyến…
Được biết, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện đào tạo 34 ngành trình độ ĐH, 23 ngành trình độ thạc sĩ và 9 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Trường có trên 830 giảng viên, nhân viên và hơn 12.000 sinh viên chính quy bậc ĐH.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)