Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL: Cần thành lập ban quản lý toàn khu vực

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 14-6, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Các giải pháp công nghệ phù hợp cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, năng lượng và đất đai cho khu vực ĐBSCL” do UBND TP.Cần Thơ phối hợp Bộ Liên bang Nghiên cứu & Giáo dục CHLB Đức, Bộ Khoa học & Công nghệ VN, Học viện Công nghệ Karlsruhe – CHLB Đức tổ chức.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó khu vực ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng bị tổn thương nhất do nước biển dâng…

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của VN do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố, đến cuối thế kỷ 21 khoảng 39% diện tích lúa ở vùng sẽ bị ngập. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, 70% diện tích lúa ở khu vực sẽ bị nhiễm mặn, thêm nhiều địa phương bị chìm trong nước biển. Ngoài mặn xâm nhập sâu, độ mặn cũng ngày càng cao, ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng và đời sống người dân trong vùng.

Trước nguy cơ này, GS.TS Franz Nestmann, Viện trưởng Học viện Công nghệ Karlsruhe (Đức), đề nghị ĐBSCL bơm nước ngọt vào các tầng nước ngầm, kết hợp sử dụng công nghệ năng lượng thủy lực để tạo điện năng bằng hệ thống tuabin, dựa vào nguyên lý thủy triều nước triều lên – xuống sẽ tạo lực để mô tơ chuyển động tạo ra nguồn điện phục vụ sản xuất; và bơm nước vào các tầng nước ngầm.

Tuy nhiên vấn đề là làm sao có nguồn nước ngọt đảm bảo không bị ô nhiễm, để bổ cấp cho các tầng nước ngầm? Bởi theo TS. Stefan Norra, Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức), nhiều nguồn nước ngọt tại vùng cũng như cả VN bị đe dọa bởi ô nhiễm thạch tín (Asen), đây là một chất có thể gây độc thần kinh, đặc biệt ở sự phát triển hệ thần kinh ở trẻ em, nếu dùng vượt quá tiêu chuẩn… Giải pháp tổng hợp nhằm chủ động quản trị nguồn nước cung cấp cho ĐBSCL của TS. Katrin Broemme được nhiều đại biểu đồng tình, theo đó: Thực hiện nghiêm túc và kiểm soát chặt việc cấp giấy phép khai thác nước đồng thời thu phí sử dụng nước (đặc biệt cho ngành công nghiệp). Cấm hoặc giảm khai thác nước ngầm nhỏ lẻ khó kiểm soát. Bổ sung nước ngầm bằng nước mưa; khử mặn, có thể sử dụng thẩm lọc ngược bằng năng lượng mặt trời…

PGS.TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện Đổi mới Công nghệ Mê Kông, cho rằng: Trước mắt, giải pháp khắc phục là có biện pháp thích nghi với đặc trưng từng khu vực. Với vùng ngập sâu cần phát triển nông nghiệp thích nghi với ảnh hưởng của lũ. Tránh phát triển các loại hình công nghiệp gây ô nhiễm vì trong vùng ngập sâu, rủi ro khi ô nhiễm lan tràn trong nước lũ sẽ đe dọa sức khỏe người dân trên diện rộng, không kiểm soát được… Đối với vùng ngập nông, phát triển nông nghiệp với các hệ thống chống lũ cả năm cho các diện tích trồng trái cây chất lượng cao, dành những diện tích nhất định để điều tiết lũ. Nên phát triển các thành phố dạng “Thành phố trên nước” hay “Thành phố xanh”. Đối với các vùng ven biển, hướng tới nền nông nghiệp và thủy sản mới với việc sử dụng nước mặn và nước lợ như nguồn tài nguyên. Quan trọng là cần có giải pháp phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, cung cấp nước sạch cho người dân và hạn chế khai thác nước ngầm.

Kết thúc hội thảo, các chuyên gia kiến nghị, để thực hiện tốt những giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững, cần phải thành lập Ban quản lý toàn khu vực với cơ chế hoạt động độc lập, chủ động và thống nhất. Là đầu mối hoạt động, Ban quản lý sẽ điều phối, chọn và triển khai một cách đồng bộ, cũng như chịu trách nhiệm về các giải pháp thực hiện để đem lại an sinh cho toàn vùng.

Đan Phượng

Bình luận (0)