Túi tiền của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nặng vào những tháng tới khi các mặt hàng nông sản tăng giá mạnh
Hợp đồng giao sau của các mặt hàng như nước cam, ca cao, cà phê, đường đã tăng vọt thời gian qua, một phần do thời tiết khắc nghiệt và những lo ngại về nguồn cung liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino.
Ông Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông sản tại Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), ví von với đài CNBC: "El Nino rất thích đồ ngọt vì nó ăn mất nhiều đường trên thế giới".
El Nino có thể gây ra nhiều cơn bão và hạn hán hơn ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Ngân hàng Rabobank đánh giá tình trạng khô hạn liên quan đến El Nino ở phần lớn Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và một số khu vực ở châu Phi sẽ đẩy giá các loại nông sản như đường, cà phê và ca cao tăng mạnh.
Ông Mera nhận định có mối quan hệ rất rõ ràng giữa El Nino và giá đường tăng cao vì hiện tượng này có xu hướng làm các nước xuất khẩu đường lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Úc khô hạn hơn bình thường.
Người dân dạo phố mua sắm Kurfuerstendamm ở thủ đô Berlin – Đức hôm 18-12. Ảnh: Reuters
Theo CNBC, giá nước cam giao sau đã tăng tới 80% trong năm 2023, lập kỷ lục giá cao vào cuối tháng 11 vừa qua sau khi bão và dịch bệnh phá hoại vụ cam ở bang Florida – Mỹ.
Giá ca cao (nguyên liệu quan trọng làm sô-cô-la) cũng tăng 64% năm nay – đạt mức cao trong 46 năm qua – do các nguồn cung từ Tây Phi bị thiệt hại nặng bởi mưa lớn và nấm. Trong khi đó, giá cà phê robusta lập kỷ lục cao nhất 15 năm qua hôm 15-12, còn giá đường đã tăng 13% trong năm 2023.
Bên cạnh thách thức về thời tiết, chi phí sinh hoạt tăng vọt và dự báo kinh tế ảm đạm khiến hầu hết người dân châu Âu thắt chặt hầu bao dịp cuối năm nay.
Theo Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu Eurostat, dù tỉ lệ lạm phát trong tháng 11 ở khu vực đồng tiền chung euro giảm còn 2,4% (so với mức 2,9% của tháng 10), song các doanh nghiệp trên khắp châu lục này đang báo cáo doanh thu sụt giảm trước thềm năm mới.
Nhà kinh tế người Malta David Zahra cho rằng hầu hết người dân châu Âu phản ứng với mức giá hàng hóa cao bằng cách tiết kiệm chi tiêu.
Tại Trung Quốc, các nhà bán lẻ nước này đang thay đổi chiến lược, hướng tới hàng hóa và dịch vụ giá thấp hơn để thu hút những người tiêu dùng tiết kiệm. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ kéo dài hơn nữa xu hướng giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo hãng tin Reuters, bà Wang Dan, nhà kinh tế tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), đánh giá tăng trưởng thu nhập giảm đang bình thường hóa mức tiêu dùng thấp hơn ở Trung Quốc, trong bối cảnh một số ngành có doanh thu giảm do các công ty hạ giá để duy trì thị phần và tránh bị đào thải.
Theo ông Ahmet Ihsan Kaya, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh, quyết định của các ngân hàng trung ương về thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ là một trong những động lực chính nền kinh tế thế giới trong năm tới.
Ông Ken Wattret, Phó Chủ tịch Kinh tế toàn cầu của Công ty S&P Global Market Intelligence (Mỹ), nói với hãng tin Anadolu rằng kinh tế thế giới khó lòng tăng trưởng tích cực trong năm 2024, song trở ngại sẽ giảm dần và triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện vào cuối năm sau.
Vận tải trên biển Đỏ vẫn bấp bênh Lo ngại về việc vận chuyển hàng hóa bị trì hoãn, các hãng vận tải biển của Nhật Bản là Nippon Yusen và Mitsui OSK Lines hôm 25-12 tuyên bố thay đổi lộ trình để tránh biển Đỏ. Cũng giống như quyết định của gã khổng lồ Maersk (Đan Mạch) và một số hãng tàu quốc tế khác hồi tuần trước, các hãng tàu Nhật Bản chọn tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Việc thay đổi lộ trình có thể gây ra sự chậm trễ đáng kể trong vận chuyển hàng hóa vì biển Đỏ là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu, thông qua eo biển Bab el-Mandeb ở phía Nam và kênh đào Suez ở phía Bắc. Đó cũng là một trong những tuyến đường biển được sử dụng thường xuyên nhất để vận chuyển dầu và nhiên liệu. Tuy nhiên, các vụ tấn công liên tiếp của lực lượng Houthi ở Yemen vào các tàu thương mại đã buộc các hãng vận tải biển chuyển hướng. Trái lại, sau gần một tuần chuyển hướng tàu và áp dụng phụ phí cho các container từ châu Á để trang trải chi phí phát sinh cho hải trình dài hơn, Công ty Maersk hôm 24-12 cho biết đang chuẩn bị nối lại các hoạt động vận chuyển ở biển Đỏ và vịnh Aden. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ và các đồng minh triển khai sáng kiến an ninh đa quốc gia mang tên Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng (OPG) trong khu vực. Anh Thư |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)