Mùa mưa kéo theo nhiều bệnh tật diễn biến phức tạp, trong đó sốt xuất huyết, viêm não bùng phát. Đây cũng là thời điểm trạm y tế các phường xã, trung tâm y tế các quận huyện tại TP.HCM bắt đầu ra quân để phòng chống.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: H.Xuyên |
Được biết, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết, viêm não và Zika tại các bệnh viện trong những ngày đầu tháng 6 năm 2016 bắt đầu tăng nhẹ.
Sốt xuất huyết, viêm não tăng
BS Lê Hoàng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Gò Vấp cho biết, thời điểm đầu năm lượng bệnh nhân (BN) đến khám và điều trị so với năm trước không thay đổi nhiều nhưng bắt đầu vào giai đoạn chuyển mùa nhất là mùa nắng chuyển sang mùa mưa số lượng BN nhập viện bắt đầu tăng. Cũng theo BS Hà, ngoài các bệnh thông thường, một số căn bệnh bắt đầu bùng phát trở lại trong đó phải kể đến sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu… Theo chu kỳ bệnh sốt xuất huyết thường khởi điểm vào đầu tháng 4 kết thúc vào cuối tháng 9 hàng năm, đồng nghĩa với 5 tháng kéo dài của mùa mưa. Tuy nhiên bệnh có thể bùng phát sớm hơn hoặc kéo dài do môi trường bị ô nhiễm nặng mà loài muỗi là thủ phạm chính gieo rắc căn bệnh truyền nhiễm này. Tại BV Gò Vấp, ngoài một số BN điều trị ngoại trú sau khi bệnh sốt xuất huyết đã ổn định, hàng ngày luôn có những ca mới nhập viện do sốt xuất huyết. Chị Thu Hà, ngụ ở P.3, Q.Gò Vấp có chồng là anh Trần Văn S. điều trị tại đây cho biết, sau khi sốt cao mấy ngày tự uống thuốc không khỏi và có triệu chứng buồn nôn mệt mỏi kéo dài, nên chồng chị đã nhập viện trong tuần trước. Đó cũng là thời điểm anh S. có triệu chứng chảy máu chân răng và có những vết đỏ dưới da. Qua thăm khám của BS, tình trạng bệnh của anh được chẩn đoán là sốt xuất huyết và nếu không chữa trị kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 các ca sốt xuất huyết cũng tăng nhẹ tuy chưa phải là đỉnh điểm. Đặc biệt một số bệnh nhi có triệu chứng viêm não mô cầu và viêm não Nhật Bản cũng được người nhà đưa vào BV để điều trị. Số lượng BN nhập viện do viêm não, viêm màng não do mô cầu, viêm não do virus đường ruột… đông nhất vẫn là BV Bệnh Nhiệt đới. Theo báo cáo của BV Bệnh Nhiệt đới, mỗi năm trung bình có 100 ca bị viêm não trong đó có nhiều ca là trẻ em. Một số ca phát hiện sớm rất dễ điều trị nhưng có ca phát hiện trễ nên có biến chứng nặng việc chữa trị kéo dài và tốn kém nhiều hơn. Đây là những BV mỗi tháng có ít nhất 5, 6 ca viêm não. Tất cả đều có triệu chứng sốt cao, ói mửa, suy hô hấp, nằm lơ mơ. Một BS ở Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cho biết hai bệnh nhi có triệu chứng viêm não Nhật Bản cũng đang được khoa tập trung theo dõi điều trị. Trước đó vào ngày 1-6 Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã xác nhận một bé gái tên Y. 5 tháng tuổi, ngụ ở Q.11 chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị viêm não mô cầu nhưng đã không qua khỏi mặc dù được chữa trị tận tình. Bé Y. nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ói mửa và xuất huyết trên da. Đây là ca bệnh đầu tiên viêm não mô cầu tại TP.HCM được phát hiện từ đầu năm 2016 đến nay và cũng là trường hợp tử vong đầu tiên.
Không thể thiếu sự phối hợp đồng bộ
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM |
BS Nguyễn Trần Nam – Phó trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 khẳng định, viêm não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện, bệnh có thể cướp đi sinh mạng của trẻ nhỏ dù trước đó khỏe mạnh bình thường. Cũng theo khuyến cáo của BS Nam, viêm màng não mô cầu thường khó phát hiện vì triệu chứng tương tự như viêm màng não siêu vi khác nhất là trong giai đoạn ban đầu. Không chỉ tỷ lệ tử vong cao mà di chứng để lại cũng rất nặng nề dù cứu chữa được nhưng tổn thương não và nội tạng như gan, thận, thị giác, thính giác… Lúc đó đời sống sinh hoạt, tâm sinh lý của BN cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Khi phát hiện BN có triệu chứng của viêm não mô cầu, người nhà cần cho uống thuốc hạ sốt, nằm nghỉ dưỡng có ánh sáng dịu, phòng ngủ mát mẻ. Đồng thời đưa ngay BN đến BV để khám và điều trị kịp thời vì đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm. Do sức đề kháng kém nên trẻ em là đối tượng dễ lây bệnh viêm não, viêm màng não mô cầu hơn người lớn. Hạn chế những dụng cụ dùng chung của nhiều người. Chỉ cần cha mẹ chủ quan lơ là là có thể nguy kịch đến tính mạng con trẻ mà sau đó hối hận cũng không còn kịp nữa. BS Lê Khắc Thức – Trưởng trạm y tế P.6, Q.Gò Vấp cho biết, ngay từ giữa tháng 5 Trung tâm Y tế quận đã phát động ra quân phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Zika, viêm não theo chiến dịch chung của các nước trong tổ chức Asian. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM phối hợp đồng thời với Viện Pasteur chuẩn bị tốt các loại vaccine. Nhờ cách đón đầu này mà các địa phương đã chủ động khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên do mùa mưa năm nay đến trễ nên ngành y tế không thể chủ quan trước diễn biến mới của những bệnh nhiệt đới. Muốn ngăn chặn dịch bệnh, các địa phương cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường nguồn nước, đặc biệt là diệt lăng quăng, ruồi muỗi. Mỗi người dân có ý thức giữ gìn sức khỏe bảo vệ môi trường, không xả rác, ăn uống vệ sinh, tránh dịch bệnh lây lan nhất là những nơi đông người, khu dân cư, trường học… Một cán bộ trung tâm y tế dự phòng cho biết, trong thực tế vẫn có những vướng mắc về công tác tổ chức điều hành giữa chính quyền và ngành y tế các cấp do ràng buộc về chuyên môn, nhân sự. Đây chính là rào cản làm cho công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở chưa đạt được như mong muốn.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Làm tốt công tác tuyên truyền để khống chế dịch bệnh Theo báo cáo của BV Bệnh Nhiệt đới, mỗi năm trung bình có 100 ca bị viêm não trong đó có nhiều ca là trẻ em. Một số ca phát hiện sớm rất dễ điều trị nhưng có ca phát hiện trễ nên có biến chứng nặng việc chữa trị kéo dài và tốn kém nhiều hơn. Đây là những BV mỗi tháng có ít nhất 5, 6 ca viêm não. |
Bình luận (0)