Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần dạy cách dùng từ Hán Việt ở trường phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Sau khi Báo Giáo dục TP.HCM đăng bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “Kho tàng” bị lãng quên về cách dùng từ Hán Việt, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến để trao đổi thêm về vấn đề có liên quan đến giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đình Phức – Trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM).

PGS.TS Nguyễn Đình Phức (hàng ngồi đầu, thứ hai từ trái sang) trong buổi lễ bế giảng khóa tiếng Việt (ảnh nhân vật cung cấp)

PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá vài nét về diện mạo từ Hán Việt trong lớp từ tiếng Việt hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Đình Phức: Bất kỳ ngôn ngữ nào đều không thể ở trong tình trạng tự cấp tự túc, bản thân tiếng Việt của chúng ta cũng vậy. Tuy chưa trải qua bước thống kê quy mô, chính thức, nhưng hầu hết các học giả đều thống nhất, trong tiếng Việt hiện đại, lượng từ mượn gốc Hán chiếm khoảng trên 70%. Loại từ mượn này chủ yếu bao gồm 4 hình thức: từ mượn giai đoạn trước đời Đường, thông qua con đường tiếp xúc khẩu ngữ trực tiếp, tên thường gọi là Hán Việt cổ; từ mượn giai đoạn sau 938, thông qua con đường sách vở, chủ yếu dựa trên âm đọc của hệ thống phiên thiết của tiếng Hán giai đoạn cuối đời Đường, tên thường gọi là từ Hán Việt; từ mượn hình thành trên cơ sở âm đọc Hán Việt, thể hiện sự đồng hóa cao độ của người Việt trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, tên thường gọi là Hán Việt Việt hóa; từ mượn chủ yếu hình thành ở miền Nam Việt Nam, nơi có khá nhiều đồng bào người Hoa từ vùng Hoa Nam, Trung Hoa di cư đến sinh sống, tên thường gọi từ Hán Việt phỏng âm phương ngữ tiếng Hán. Từ đây có thể thấy rõ mức độ phổ biến của lớp từ mượn gốc Hán trong tiếng Việt. Sở dĩ chúng ta thường đồng hóa cách gọi từ mượn Hán với từ Hán Việt, là vì, lớp từ Hán Việt chiếm số lượng nhiều và mang tính hệ thống nhất. Trong tương quan giữa bốn tiểu loại nêu trên, từ Hán Việt, nhất là các từ ghép và cụm từ thể hiện mức đồng hóa yếu nhất, chính vì vậy chất trừu tượng, khái quát của chúng khá đậm, vậy nên hầu hết các lỗi sai trong tiếng Việt đều tập trung thể hiện ở các khía cạnh của đối tượng này.

Thực trạng dùng từ Hán Việt hiện nay đang diễn ra như thế nào, thưa ông, nhất là trong giới trẻ? Đâu là những lỗi sai cơ bản và ví dụ về cách dùng từ Hán Việt chưa chính xác?

– Tình trạng phạm lỗi trong quá trình sử dụng từ Hán Việt của giới trẻ hiện nay khá phổ biến. Những lỗi sai chủ yếu tập trung vào một số khía cạnh sau đây: Thứ nhất, lỗi liên quan đến phát âm và viết, ví như “xán lạn” thành “sán lạn”, “tham quan” thành “thăm quan”, “đào ngũ” thành “đảo ngũ”… Thứ hai, sai về ngữ nghĩa hay cảnh huống ngôn ngữ, ví dụ, “lâm chung” chỉ khoảnh khắc con người vĩnh biệt cõi đời, nhưng trong diễn văn đọc trước khi đưa linh cữu người chết đi chôn, vẫn có trường hợp sử dụng thành “trong giờ phút lâm chung này” hoặc trên tay rõ ràng cầm cuốn tự điển, nhưng lại nói thành “cuốn từ điển này”… Thứ ba, dùng sai giá trị phong cách của từ, cụm từ, ví dụ, trong tình huống trang trọng, không thể nói “vợ của tổng thống” mà phải nói thành “phu nhân tổng thống”, “vì sự phát triển của giới nữ (phụ nữ)” không thể nói thành “vì sự phát triển của đàn bà, con gái”… Thứ tư, dùng sai hình thái cấu trúc, ví dụ, “điểm yếu” là cấu từ theo mô thức “chính + phụ” của tiếng Việt, không giống với “yếu điểm” là cấu từ theo mô thức “phụ + chính” của tiếng Hán; “văn nhân” và “nhân văn” là hai từ mang nét nghĩa hoàn toàn khác nhau, không phải dùng xuôi hay đảo lại vẫn cùng một nghĩa; “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) không thể nói thành “phụ mẫu chi dân” (dân của cha mẹ)… Trong bốn loại lỗi cơ bản trên đây, loại lỗi thứ hai và ba được xem là nghiêm trọng nhất, cần thiết phải sửa. Riêng loại thứ nhất, trong một số trường hợp có thể châm chước, còn loại lỗi thứ tư chiếm số lượng khá hạn chế, chỉ cần lưu ý một chút là được.

Thưa ông, vậy đâu là nguyên nhân dùng từ Hán Việt sai? Cách khắc phục và những ý kiến đề xuất về cách nói, viết và dạy đúng lớp từ Hán Việt?

– Nguyên nhân của việc sử dụng sai từ Hán Việt theo chúng tôi có hai nguyên nhân chủ yếu sau đây: Thứ nhất, cơ chế lười hóa trong phát âm, nhất là hệ thống âm Hán Việt vẫn khá khó so với người Việt Nam, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các lỗi sai về ngữ âm, cũng là nguyên nhân chủ yếu cho việc ra đời một loại âm đọc là âm đọc Hán Việt Việt hóa. Thứ hai, do không hiểu và không được cung cấp các mảng tri thức có liên quan. Chúng ta đều biết, những tri thức liên quan đến mảng từ Hán Việt nhìn chung đều khá khó, việc yêu cầu tất cả mọi người đều sử dụng đúng thực là vấn đề không tưởng, nhất là ngay cả những thầy cô giáo giảng dạy ngữ văn cũng không phải đều hiểu rõ về lĩnh vực này. Hơn nữa, muốn tự mình hiểu một cách tường tận, cần thiết phải biết một lượng chữ Hán nhất định, và yêu cầu này cho đến nay vẫn là không tưởng với không ít giai tầng trong xã hội.

Theo chúng tôi, để cải thiện, khắc phục tình trạng trên, trước mắt chúng ta cần đồng thời tiến hành cả hai việc. Thứ nhất, khôi phục việc giảng dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông, có thể ở bậc phổ thông trung học, tất nhiên dạy gì, dạy thế nào chúng ta cần phải hoạch định kỹ, việc quy định dạy bao nhiêu chữ Hán hết sức quan trọng, ví dụ khoảng 500 chữ chẳng hạn, nhưng việc chọn 500 chữ này cần phải qua thống kê tần suất xuất hiện cũng như những từ, những khái niệm phải là những khái niệm quan trọng thuộc vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Thứ hai, dạy chữ Hán phải đi liền với việc dạy cách sử dụng từ Hán Việt, tức cả hai phải đi song song, nếu không cũng sẽ không có kết quả, vì biết chữ Hán không đồng nghĩa với việc biết cách sử dụng đúng từ Hán Việt. Tất nhiên bậc phổ thông làm được như thế thì trước tiên chúng ta phải đào tạo những giáo viên có đủ trình độ để đứng lớp.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Ngọc Quang (thực hiện)

Bình luận (0)