Trong chương trình thăm chính thức New Zealand, sáng 11-3, (giờ địa phương), tại thủ đô Wellington, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tọa đàm với doanh nghiệp New Zealand nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư Việt Nam – New Zealand. Buổi tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Hội đồng kinh doanh ASEAN – New Zealand phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với doanh nghiệp New Zealand. Ảnh TTXVN
Tìm hiểu nhu cầu
Tại buổi tọa đàm, sau khi được giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand cho biết, New Zealand quan tâm về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Sau khi các bộ trưởng giải đáp, trao đổi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ các nội dung, trả lời các vấn đề mà các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand quan tâm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp New Zealand hợp tác, đầu tư hiệu quả tại Việt Nam và với Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau gần 50 năm, quan hệ Việt Nam – New Zealand đã đạt những bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, dư địa hợp tác còn rất lớn. Do đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng New Zealand, hai bên đã thảo luận, nhất trí thúc đẩy hợp tác. Trong đó, hai bên tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương; tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế – thương mại – đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao lưu nhân dân; tăng tốc và bứt phá trong hợp tác các ngành mới nổi như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, đào tạo…
Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế. Do đó, theo Thủ tướng, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai bên còn rất nhiều dư địa.
Cùng nhau chia sẻ
Nhận định cản trở, khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước là khoảng cách về địa lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để khắc phục, thời gian tới hai bên nghiên cứu mở đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao thương; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và các phương thức kết nối mới…
Thủ tướng đề nghị chính phủ, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp New Zealand đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư với Việt Nam; mở cửa thị trường để tận dụng tối đa các hiệp định thương mại song phương, các khuôn khổ hợp tác, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)… mà hai bên cùng tham gia; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào thị trường mỗi bên; xem xét gỡ bỏ những rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Liên Chính phủ và các cơ chế đối thoại giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy đối thoại, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội đồng Kinh doanh ASEAN – New Zealand phát huy hơn nữa vai trò là cánh tay nối dài giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thêm cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng 15.000 người, trong đó nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Do đó, đề nghị phía New Zealand tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh hiệu quả tại New Zealand, qua đó tham gia sâu rộng và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, hợp tác kinh tế – đầu tư – thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng, đột phá trong quan hệ hai nước, là động lực giúp hai nước cùng vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, để mỗi nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Bình luận (0)