Mùa tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024-2025, TP.HCM vẫn áp dụng tuyển sinh trực tuyến bằng mã định danh của học sinh song sẽ có thêm nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, khắc phục tình trạng hồ sơ ảo trong năm 2023.
TP.HCM xây dựng nhiều điểm mới trong tuyển sinh đầu cấp năm 2024
Thống nhất qua một trục dữ liệu tuyển sinh đầu cấp duy nhất
Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp tại TP.HCM năm học 2024-2025 được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thống nhất trên toàn thành phố tại địa chỉ tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, qua mã định danh của học sinh.
Điểm mới trong năm nay là các địa phương sẽ không sử dụng thêm một địa chỉ tuyển sinh trực tuyến nào khác để tránh tình trạng hồ sơ ảo, một mã định danh của học sinh có thể đăng ký tuyển sinh ở 2 địa phương hoặc đã xác nhận nhập học đợt 1 rồi vẫn tiếp tục đăng ký tuyển sinh trong đợt 2 như năm 2023.
Năm nay, công tác tuyển sinh đầu cấp ở các quận huyện dự kiến sẽ được thống nhất chung về khung thời gian với 2 đợt tuyển sinh. Đợt 1 là tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế của học sinh (không phân biệt thường trú, tạm trú); Đợt 2 sẽ tuyển sinh với các trường hợp còn lại, đảm bảo tất cả chỗ học cho con em trên địa bàn TP.HCM.
Công tác tuyển sinh đầu cấp năm 2024 cũng được TP.HCM tính đến việc bỏ giai đoạn “chạy thử”, để hạn chế tình trạng phụ huynh thực hiện “chạy thử” và nhầm tưởng rằng mình đã thực hiện tuyển sinh thành công, dẫn đến không đăng ký trong giai đoạn tuyển sinh chính thức.
Năm 2023, TP.HCM lần đầu thực hiện tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến qua mã định danh trên trục dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TP.HCM, tại địa chỉ: tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, nhằm hỗ trợ phụ huynh học sinh trong việc đăng ký tập trung trên một trang duy nhất của toàn thành phố. Hình thức này đã giúp các địa phương nhẹ nhàng, giảm áp lực trong tuyển sinh các lớp đầu cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ, và đặc biệt tránh tối đa việc di chuyển nhiều lần giữa các cơ quan hành chính cho người dân trong suốt thời gian đăng ký tuyển sinh.
Tuy nhiên, nhìn nhận về công tác tuyển sinh đầu cấp trực tuyến năm 2023, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận: Công tác xây dựng và triển khai mô hình tuyển sinh ở một số phòng GD-ĐT chưa thực hiện đúng theo mô hình trên trục dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TP.HCM. Một số địa phương còn tạo ra thêm các trang đăng ký riêng ngoài trang chung của sở làm dữ liệu phân tán, ảnh hưởng kết quả thống kê của toàn thành, gây khó khăn cho các phòng chuyên môn của sở trong việc theo dõi tiến độ tuyển sinh ở các đơn vị. Điều này dẫn đến tình trạng hồ sơ ảo ở nhiều trường học trong năm 2023 vẫn còn diễn ra. Còn một bộ phận học sinh không được phân bổ chỗ học ở địa phương theo đúng thời gian tuyển sinh.
“Năm nay TP.HCM sẽ triệt để khắc phục tình trạng này. Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các địa phương chỉ thực hiện tuyển sinh trên một trục dữ liệu tuyển sinh đầu cấp duy nhất của Sở GD-ĐT TP.HCM với địa chỉ: tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, làm sao mỗi học sinh với 1 mã định danh chỉ đăng ký tuyển sinh ở 1 nơi trong 1 thời điểm. Việc trúng tuyển chỉ vào một trường, đã trúng tuyển và xác nhận nộp hồ sơ nhập học thì không được giải quyết trong đợt 2”.
Nhân rộng GIS ra nhiều quận, huyện
Năm 2023, TP.HCM lần đầu thí điểm ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp đối với 3 địa phương là quận 8, Tân Bình và TP.Thủ Đức trong thực hiện phân bổ chỗ học cho học sinh theo nguyên tắc học sinh sẽ được học trường gần nhà nhất.
Các thay đổi hướng đến đảm bảo quyền lợi cao nhất cho học sinh
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá việc áp dụng công nghệ bản đồ GIS kết hợp với khai thác dữ liệu thông tin nơi ở của học sinh đã hỗ trợ phân bổ học sinh vào các trường trên địa bàn thuận lợi trong việc di chuyển, nhận được sự đồng thuận của đa số cha mẹ học sinh. Hỗ trợ tốt công tác tuyển sinh theo Đề án 06 (không sử dụng hộ khẩu) đối với các địa phương. Bản đồ GIS đã giúp các phòng giáo dục có thể phân bổ học sinh vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với khoảng cách từ nhà tới trường, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu. Công tác tuyển sinh được công khai, có cơ sở minh chứng đầy đủ và được lưu trữ trên hệ thống, giúp tăng sự hài lòng, đồng thuận của cha mẹ học sinh trong công tác tuyển sinh.
Đặc biệt với việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của học sinh từ các đơn vị, Sở GD-ĐT đã có một cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, từ đó đưa ra được các đánh giá phục vụ cho việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai có phù hợp với phát triển dân số của từng khu vực.
Từ những đánh giá khả quan đó, năm 2024, TP.HCM tiếp tục áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh các lớp đầu cấp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu chỉ áp dụng GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư thiếu học sinh cục bộ ở một số trường. Thông tin trên GIS vẫn còn một số sai sót nhất định hoặc chưa chính xác, đặc biệt xảy ra ở những khu vực mới như TP.Thủ Đức gây ra tình trạng phân bổ chưa chính xác.
“Việc áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp năm 2024 sẽ được các địa phương tính đến triệt để hơn công tác rà soát địa bàn. Biến động về nơi cư trú thực tế của học sinh sẽ được cập nhật kịp thời để làm sao việc phân bổ chỗ học được hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho học sinh. Từng bước tiến tới ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh liên quận huyện chứ không phải đơn lẻ từng địa phương, làm sao việc phân bổ chỗ học cho học sinh có thể giao thoa giữa các địa phương, nhất là ở các địa bàn giáp ranh, đảm bảo nguyên tắc học sinh được phân bổ chỗ học gần nơi cư trú nhất”.
Tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên – Trưởng phòng GD-ĐT quận thông tin, năm 2024 quận 6 tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến dựa trên mã định danh của học sinh. Điểm mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn quận trong năm nay là sẽ áp dụng bản đồ GIS thực hiện phân bổ chỗ học cho học sinh các lớp đầu cấp từ mầm non, lớp 1 và lớp 6.
“Các năm trước, dù chưa ứng dụng bản đồ GIS vào tuyển sinh đầu cấp song trên thực tế việc phân bổ chỗ học cho học sinh đã được quận tính toán phân bổ theo nguyên tắc học sinh được học trường gần nhà. Do vậy, khi ứng dụng bản đồ GIS về địa giới hành chính vào tuyển sinh sẽ giúp địa phương thực hiện bài bản hơn nữa công tác này”.
Đỗ Khương
Bình luận (0)