Ngày 6-5, Nga tuyên bố họ hy vọng các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ làm dịu đi những "cái đầu nóng" ở phương Tây.
Bộ Ngoại giao Nga đang đề cập đến những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron cũng như việc chuyển giao Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) của Mỹ cho Ukraine trong bình luận trên.
Hãng tin Reuters dẫn lời từ Bộ Ngoại giao Nga nhận định: "Họ đang cố tình dẫn dắt tình hình theo hướng leo thang hơn nữa cuộc khủng hoảng Ukraine, dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự mở giữa các nước NATO và Nga".
Cùng ngày 5-5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo về một cuộc tập trận sắp diễn ra nhằm kiểm tra khả năng triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận này được Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh, sau "những tuyên bố khiêu khích và đe dọa" của các quan chức phương Tây.
Tên lửa đạn đạo Yars có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong cuộc duyệt binh của Nga năm 2020 (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và tên lửa Yars trong cuộc thử nghiệm ở Nga năm 2022. Ảnh: SBS News
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, các cuộc tranh luận ở phương Tây về khả năng triển khai quân đội NATO tới Ukraine, cũng như việc phương Tây tích cực khuyến khích Kiev sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để phóng vào toàn bộ lãnh thổ Nga là lý do Moscow tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật.
Ông Medvedev cảnh báo Moscow "sẽ phải đáp trả" đề xuất triển khai binh lính phương Tây tới Ukraine. Ông Medvedev nói với đài RT rằng đòn đáp trả này "không chỉ xảy ra" ở Ukraine. Trong trường hợp đó, "sẽ không còn nơi ẩn náu nào ở Đồi Capitol, Điện Elysee hoặc số 10 Phố Downing".
Ông Medvedev cho rằng giới tinh hoa phương Tây không nhìn thấy rủi ro về tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc không nhận thấy sự thay đổi nào trong cách bố trí các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, bất chấp tuyên bố về kế hoạch chi tiết cho các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật nêu trên.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng không quân Mỹ Patrick Ryder, cho biết: "Chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi nào trong lực lượng chiến lược của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi".
Hãng Reuters cho biết tính đến nay Nga và Mỹ là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ hơn 10.600 trong số 12.100 đầu đạn hạt nhân của thế giới. Trung Quốc được cho là có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba, tiếp theo là Pháp và Anh.
Theo tổ chức Liên đoàn nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 1.560 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên số liệu này không chắc chính xác do thiếu minh bạch.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Bình luận (0)