Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Anh phát triển xe robot giao hàng không cần GPS

Tạp Chí Giáo Dục

Một mẫu robot giao hàng tự động đang thử nghiệm vận chuyển thuốc đến các viện dưỡng lão ở London trong thời gian đại dịch.
Phương tiện tự hành có tên Kar-go được thiết kế để giải quyết vấn đề giao hàng chặng cuối, từ trung tâm phân phối hoặc kho lưu trữ đến điểm giao hàng cuối cùng, giai đoạn thường chiếm phần lớn chi phí vận chuyển hàng hóa.
Chiếc xe robot chạy bằng điện này có thể chở 48 kiện hàng.
"Về cơ bản, chúng tôi đã rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí vận chuyển bằng cách sử dụng robot có khả năng làm việc cả ngày lẫn đêm và bạn chỉ phải trả một số tiền điện nhỏ cho phí giao hàng", William Sachiti, nhà sáng lập Học viện Robotics của Anh, hãng phát triển Kar-go, cho biết.
Chiếc xe robot chạy bằng điện này có thể chở 48 kiện hàng và tự hành trên các làn đường đô thị và nông thôn mà không cần tín hiệu GPS. Thay vào đó, nó sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm hiểu tuyến đường, cũng như phân loại các gói hàng khi di chuyển.
Kar-go sẽ tập trung vào việc giao những bưu kiện nhỏ có kích thước tương đương chiếc hộp đựng giày. Robot có thể đạt tốc độ di chuyển tối đa 96 km/h và mất khoảng 3 giờ để sạc đầy, trong đó một giờ đầu tiên có thể sạc nhanh 70%.
Theo Học viện Robotics, phương tiện hứa hẹn sẽ giúp tiết kiệm tới 90% chi phí giao hàng chặng cuối và giảm đáng kể tác động ô nhiễm lên môi trường.
Sachiti cho biết các cuộc thử nghiệm phân phối thuốc tới viện dưỡng lão mà họ đang triển khai đã được lên kế hoạch từ trước Covid-19. Khi đại dịch bùng phát, dự án ngay lập tức tạo ra tác động tích cực trong cộng đồng.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)