Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh, sinh viên sáng tạo bảo vệ môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên, học sinh tận dụng nguyên vật liệu đã qua sử dụng để tạo nên những sản phẩm vừa có giá trị vừa thân thiện môi trường.

Xà phòng từ vỏ trấu
Tận dụng lượng vỏ trấu thải ra, nhóm sinh viên (SV) thuộc Viện Khoa học và kỹ thuật vật liệu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã chế tạo ra một loại xà phòng thiên nhiên.

Nguyễn Thị Diệu Huyền, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “VN là một trong các nước có sản lượng lúa gạo cao nhất trên thế giới, lượng trấu thải ra hằng năm rất lớn. Thông thường vỏ trấu được dùng làm chất đốt, thức ăn cho gia súc hay thậm chí là thải ra các dòng sông, kênh rạch. Việc này vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Nếu tận dụng được lượng trấu lớn hằng năm vào chế tạo than hoạt tính sẽ mở ra một nguồn nguyên liệu sẵn có và chất lượng tốt để sản xuất xà phòng”.

Nhóm sinh viên Viện Khoa học và kỹ thuật vật liệu với sản phẩm xà phòng được làm từ vỏ trấu  /// Ảnh: Tiến Hiệp
Nhóm sinh viên Viện Khoa học và kỹ thuật vật liệu với sản phẩm xà phòng được làm từ vỏ trấu. Ảnh: Tiến Hiệp

Do kinh phí hạn hẹp (chủ yếu thầy giáo tài trợ và đóng góp của các thành viên) nên từ phòng thí nghiệm đến công đoạn sản xuất, các thiết bị chế tạo xà phòng được tận dụng từ những gì có sẵn trong nhà bếp như: nồi, máy xay cầm tay, chày cối chiết nước lá cây, thậm chí lấy khuôn bánh trung thu để đóng bánh xà phòng.
Ngoài tính năng tẩy rửa các vết bẩn, theo lời Diệu Huyền, điểm khác biệt của xà phòng đen là có các lỗ xốp nano với khả năng hấp thụ cao nên rất tốt cho việc khử độc, khử vi khuẩn, khử mùi và đặc biệt là làm sạch sâu tận gốc các độc tố, cặn trang điểm, bã nhờn trên làn da. Bên cạnh đó, loại xà phòng đen không sử dụng chất bảo quản, hương liệu công nghiệp, chất tạo bọt, chất tạo độ cứng, không gây cảm giác nhớt khi sử dụng.
Với tính ứng dụng cao, đầu tháng 6 vừa qua, đề tài chế tạo xà phòng từ vỏ trấu được giải nhì cuộc thi bình chọn SV nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2016. PGS-TS Nguyễn Văn Tư, Viện Khoa học và kỹ thuật vật liệu, nhận xét: “Về mặt khoa học, ý nghĩa lớn nhất của sản phẩm này là tận dụng được nguồn phế thải từ vỏ trấu để làm ra sản phẩm có ích, đồng thời mở ra ứng dụng mới cho than hoạt tính, trước đây chỉ được biết đến với công dụng khử mùi, lọc nước”.
Học sinh, sinh viên sáng tạo bảo vệ môi trường 2

Cao Khả Tiến và chiếc khăn lau bảng thông minh Ảnh: Thanh Bình

Khăn lau bảng thông minh
Sản phẩm do Cao Khả Tiến, học sinh (HS) Trường THPT Tam Giang (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) sáng chế, vừa đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2016, có thể hút bụi gần 100%.
Khi sử dụng, khăn lau bảng sẽ hút hầu hết lượng bụi phấn vương trên bục giảng, làm giảm tác hại của bụi phấn đối với sức khỏe của giáo viên và HS. “Sản phẩm khăn bảng thông minh có thể coi như một máy hút bụi đa năng, vừa lau bảng vừa hút bụi. Từ vật liệu đến cách làm chiếc khăn bảng này đều rất đơn giản, HS có thể dễ dàng làm được để sử dụng”, Khả Tiến cho biết.
Cấu tạo chính của khăn lau bảng thông minh gồm một quạt gió máy tính, phần khung bằng nhôm ống, vỏ lấy từ chai nhựa, 2 pin 9V, một công tắc, một khăn lau thường, một thiết bị sạc pin. Những thứ này được Khả Tiến tận dụng từ sản phẩm không còn sử dụng để tái chế. Khăn bảng thông minh chia làm 3 khoang. Khoang thứ nhất (trên cùng) đựng pin và công tắc điều khiển. Khoang thứ hai (ở giữa) đựng túi chứa bụi phấn. Khoang thứ ba (dưới cùng) chứa một quạt hút bụi phấn và lớp khăn lau bảng.
Nguyên tắc hoạt động của chiếc khăn lau bảng này là sử dụng lực cuốn gió của cánh quạt, hút bụi phấn vào và giữ lại trong túi chứa. Khi lau bảng, chỉ cần bật công tắc nguồn và lau bảng như xốp lau thông thường. Khi quạt quay sẽ tạo một sự chênh lệch áp suất khí quyển làm cho bụi vào trong túi chứa. Nếu túi phấn đầy, có thể mở ra vệ sinh rồi lắp và tiếp tục sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang, cho biết: “Chiếc khăn lau bảng thông minh này hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong trường. Sản phẩm này có thể sản xuất đại trà để phục vụ dạy và học”.

Thu Hằng – Tuyết Khoa (TNO)

 

Bình luận (0)