Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà giáo với báo chí

Tạp Chí Giáo Dục

Thoạt nghe, tưởng nhà giáo với báo chí không có gì liên hệ, thế nhưng, xét kỹ ra, nhà giáo vẫn có nhiều mối quan hệ mật thiết với báo chí, với các nhà báo, và nếu khéo khai thác, mối quan hệ này thực sự tích cực đối với hoạt động dạy học.

Thầy Nguyễn Văn Chặng (Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú, TP.HCM) phát biểu tại hội nghị cộng tác viên do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: Q.Huy

Mối quan hệ này không phải được mặc định mà có được từ sự chủ động kết nối của các thầy cô với tâm thế không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Sự chủ động đó thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, nhà giáo tiếp thu những mô hình, phương pháp tích cực trong giảng dạy từ báo chí. Hầu hết các báo đều có trang khoa giáo hoặc giáo dục, thường xuyên cung cấp những thông tin bổ ích về các chủ trương, chính sách về giáo dục; đồng thời giới thiệu những mô hình, phương pháp giáo dục hiệu quả, các tấm gương nhà giáo và học sinh tiêu biểu… Nhiều dạng bài viết đó vừa tác động tốt đến nhận thức, tình cảm, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, vừa gợi mở những suy nghĩ tích cực để từ đó biến thành hành động phù hợp trong hoạt động giảng dạy.

Có thể nói, mối quan hệ giữa nhà giáo với báo chí là quan hệ tích cực, cả cho bản thân nhà giáo, cho báo chí và các nhà báo. Phía nhà giáo, cần quan tâm nhiều hơn đến việc đọc, chia sẻ thông tin cũng như làm cộng tác viên để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp của mình, góp phần làm cho công việc giảng dạy hiệu quả hơn, thuyết phục hơn. Đó cũng là một cách đóng góp thiết thực cho nền giáo dục nước nhà!

Thứ hai, nhà giáo rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích nhằm hoàn thiện hơn công tác giảng dạy của mình hoặc tránh những sai sót đáng tiếc. Trong hoạt động giảng dạy, hẳn có rất nhiều tình huống, nếu giáo viên không khéo ứng xử thì không chỉ không thuyết phục được học sinh mà còn tạo nên hình ảnh không hay về người thầy. Chẳng hạn, trên một tờ báo có bài viết “Sao thầy không lượm mà kêu em lượm?” thực sự là một câu chuyện giáo dục thú vị. Người thầy có quyền yêu cầu học sinh lượm rác không hay bản thân mình chủ động làm gương để học sinh noi theo? Những câu chuyện tương tự hẳn gợi mở cho giáo viên nhiều cách ứng xử sao cho bảo đảm tính sư phạm, tính nhân văn nhất có thể. Tức là, qua những câu chuyện trên báo, nhà giáo có thể soi lại mình, thấy rằng mình nên làm gì, không nên làm gì trong hoạt động giảng dạy.

Thứ ba, nhà giáo ít nhiều nắm bắt được xu thế về thị hiếu, thẩm mỹ, lối sống… của giới trẻ thông qua báo chí, để từ đó có biện pháp, phương pháp giáo dục phù hợp. Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, sự thay đổi nhanh của lối sống, trẻ có nhiều biểu hiện có thể khiến người lớn bất ngờ. Do đó, báo chí là một kênh quan trọng để giáo viên có thể nắm bắt được sự thay đổi đó. Chẳng hạn, “ngôn ngữ @” là một biểu hiện khá thú vị, không chỉ phản ánh sự vận dụng, “học tập” nhanh của giới trẻ đối với một biểu hiện ngôn ngữ mà còn cho thấy bản thân ngôn ngữ có sự thay đổi rất nhanh và không có quy tắc. Nếu giáo viên cực đoan hoặc ít thông tin, có thể cảm thấy “sốc” với việc học sinh sử dụng loại ngôn ngữ đó mà có ứng xử chưa phù hợp. Báo Giáo dục TP.HCM từng lên tiếng về “truyện ngôn tình”, thực sự rất cần thiết để cảnh báo một biểu hiện không hay, có thể tác động xấu đến nhận thức, tâm sinh lý, việc học tập… của học sinh.

Thứ tư, nhà giáo có thể gửi những câu chuyện giáo dục, những tình huống sư phạm, những cách giải đáp cho một câu hỏi/bài tập nào đó… đến báo chí để góp phần thông tin chung. Thời gian qua, các báo thường xuyên có một số cộng tác viên là các nhà giáo, đóng góp nhiều câu chuyện, nhiều ý tưởng, nhiều vấn đề… rất lý thú. Những bài viết đó thực sự có tác dụng rất tích cực, trong nhiều trường hợp thiết thực hơn các bài viết của phóng viên, bởi họ là “người trong cuộc” với sự am tường sâu sắc.

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)