Về chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT đề nghị cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa trường ĐH và Sở GD-ĐT. Tuyệt đối tuân thủ chấm 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra 5%.
Đoàn công tác Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà TĩnhẢNH: TUỆ NGUYỄN
Đó là lưu ý của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 24.6.
Cập nhật phần mềm chấm thi trắc nghiệm mới
Xung quanh việc chấm thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí – Kiểm định chất lượng cũng nhắc nhở: “Việc phối hợp chặt chẽ phải thực hiện đến khâu chấm phúc khảo, tránh tình trạng hết thời gian phúc khảo nhưng đơn vẫn nằm trong tủ của Sở GD-ĐT”.
Đặc biệt, ông Trinh lưu ý, quy chế thi năm nay thay đổi quy định về làm tròn điểm bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm). Do vậy, các cụm thi cần phải lưu ý cập nhật phần mềm chấm thi trắc nghiệm mới của năm nay.
Thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, đơn vị được giao chủ trì cụm thi, phối hợp với Trường ĐH Hà Tĩnh, cho biết: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, đã in và phát giấy báo thi cho thí sinh (TS). Việc in sao đề thi tiến hành ở TP.Huế và chuyển ra Hà Tĩnh dưới sự áp tải của lực lượng công an”.
Không để thí sinh khó khăn bỏ thi
Hà Tĩnh là nơi có số lượng TS dự thi đông thứ 2 ở khu vực bắc Trung bộ với 18.066 TS, trong đó có 5.874 TS thi chỉ để xét tốt nghiệp. Để đảm bảo 50% số cán bộ coi thi tại cụm thi Hà Tĩnh, Trường ĐH Sư phạm Huế đã phải huy động hơn 800 cán bộ, giảng viên từ Huế ra coi thi.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh, cho hay đã phải huy động hết số lượng phòng có thể để làm điểm thi. Băn khoăn hiện nay là lo ngại về việc di chuyển của TS. Ông Thọ đề nghị, khi mỗi tỉnh đã có một cụm thi do trường ĐH chủ trì thì từ năm sau cố gắng cho phép học sinh ở địa bàn nào thi ở địa bàn đó, tránh việc trộn theo tên TS toàn tỉnh khiến cho TS địa bàn nào cũng phải di chuyển.
Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã có 8.000 chỗ ở miễn phí tại nhà dân. Ngoài ra, TS còn có chỗ ở trong ký túc xá Trường ĐH Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho hay đã yêu cầu các trường nắm chắc số TS có hoàn cảnh khó khăn để có chính sách hỗ trợ. Quyết tâm không để TS nào phải bỏ thi vì có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi kiểm tra trực tiếp khâu chuẩn bị thi tại Trường ĐH Hà Tĩnh, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý: “Công tác chuẩn bị có kỹ đến mấy thì sự cẩn trọng vẫn không thừa. Đặc biệt, trong đội ngũ cán bộ coi thi, có thầy cô có kinh nghiệm có người không; khâu an ninh kỳ thi, an toàn cho giám thị, điện nước, y tế… cũng cần phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng”.
Không nên mở rộng đào tạo thạc sĩ
Phát biểu với giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh bắc Trung bộ, ông Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Vừa qua có những thay đổi lớn và đúng về mặt chủ trương của GD-ĐT như việc áp dụng mô hình trường học mới, Thông tư 30… Tuy nhiên, do có những nội dung còn chưa phù hợp thực tế nên rất cần lãnh đạo sở GD-ĐT các địa phương tham mưu cho Bộ sửa. Bộ đã sửa rồi thì phải tập trung làm cho tốt. Không ít thầy cô chưa sẵn sàng trước đổi mới. Tránh tình trạng xã hội chưa biết thế nào mà trong ngành đã có ý kiến đi ngược với đổi mới trong khi chủ trương ấy là đúng”.
Làm việc với giảng viên và sinh viên Trường ĐH Hà Tĩnh, ông Nhạ yêu cầu: “Cần phải rà soát lại cơ cấu ngành nghề, bám sát với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đặc thù của Hà Tĩnh. Không nên mở rộng đào tạo thạc sĩ nhiều quá, cũng không nên thu hút quá nhiều trường ĐH lớn trong nước về đây vì nếu không trường sẽ trở thành trung tâm đào tạo từ xa của các trường. Những ngành nghề có xu hướng bão hòa thì cần phải điều chỉnh, ví dụ ngành sư phạm”.
|
Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)