Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sống với chồng mà vẫn… đơn thân

Tạp Chí Giáo Dục

Thực ra, chẳng ai muốn khái niệm “gia đình” lại chỉ có một vế, nhưng chứng kiến những cay đắng đi – về trong nhiều cuộc hôn nhân, hẳn là ai cũng thấy “sợ”.

Minh họa: Văn Nguyễn

Minh họa: Văn Nguyễn

Cô bạn sống đơn thân, một mình nuôi con từ năm 29 tuổi, kể cho tôi nghe “chuyện người ta”, với tiếng thở dài: “Lâu nay mình sống một mình nghĩ cũng có nhiều thiệt thòi, nhưng nghe chuyện bạn mình, thấy thà sống một mình còn hơn rơi vào cảnh vợ chồng chửi mắng nhau tàn tệ, nay bỏ đi mai trở về như thế”.

 
Thực ra, chẳng ai muốn khái niệm “gia đình” lại chỉ có một vế, nhưng chứng kiến những cay đắng đi – về trong nhiều cuộc hôn nhân, hẳn là ai cũng thấy “sợ”.
“Mày hãy đi ngay khỏi cái nhà này! Cút xéo ngay cho khuất mắt tao! Đồ đạc của mày đây! Mày đi ngay đi. Tao nuôi con lớn, mày nuôi con nhỏ, khỏi cần ra tòa làm gì cho tốn thời gian…”. Đó là lời quát xối xả của Định với Mai – cô vợ vừa rón rén về đến cổng nhà.
Chuyện là, Mai nói với Định rằng cô đi công tác, thực ra, cô có người tình cũ – đã nối lại quan hệ lén lút từ khi anh ta chia tay vợ và từ nước ngoài trở về tìm Mai. Họ cùng nhau “trốn” nhân gian để tới một nơi không ai biết, tận hưởng những cảm xúc ngọt ngào một thuở quay trở lại trong con tim mỗi người.
Với anh người yêu cũ, thì đó là nỗi thất vọng về cuộc hôn nhân không trọn vẹn nơi xứ người, là nỗi day dứt ân hận khi chia tay cô bạn gái thời sinh viên chỉ vì gia cảnh hai bên quá nghèo, không đủ sức tính đến tương lai, đành phải buông nhau ra cho cô tìm hạnh phúc kẻo tuổi xuân qua mất.
Với Mai, thì đó là sự chia sẻ, thấu hiểu mà cô không có được từ người chồng lúc nào cũng chúi mũi vào những cuộc đỏ đen, và thêm nữa, Mai biết, Định cũng có những cô gái trẻ đã từng cà phê cà pháo, ăn trưa, thậm chí “ngủ trưa” như lời đồn đại mà cô nghe được từ đồng nghiệp của anh… Vậy nên, cô liều sống theo cảm xúc của mình.
Định nghi ngờ, dò hỏi và biết Mai không có chuyến công tác nào như cô nói. Thông điệp được “bắn” ra, cô bạn thân báo “tin dữ” cho Mai, Mai trở về và cảnh tượng trước mặt cô là chiếc va li đã nhét đầy áo quần của cô, chồng cô mắt long sòng sọc, ném va li ra cửa…
Vốn biết điểm yếu của Mai là công việc bấp bênh, lương thấp, Định thậm chí còn không cho Mai mang theo chiếc xe máy cô hay dùng hằng ngày, với lý do “Xe tao mua, tao đứng tên, mày muốn mang nó đi thì… ra tòa mà kiện, còn bây giờ cấm đụng vào!”.
Cực chẳng đã, Mai cùng con gái út đi tá túc nhà bạn bè vài bữa rồi thuê một căn phòng tạm để ở. Chuyện tưởng đơn giản như cái xe máy, mà không có để đi, Mai như người cụt chân. Xe đâu phải mua được ngay. Đi làm, rồi đưa đón con bé đi học, sách vở lung tung, con bé nước mắt ngắn dài theo mẹ…
Hết một tháng, bạn bè, gia đình hai bên ở quê lên can thiệp, Định cũng bớt nóng, mới nói chuyện được. Tại anh tại ả, những giọt nước mắt, những cân nhắc cho con cái… Cuối cùng thì Mai “được” về nhà, nhưng “kẻ tội phạm” bắt đầu phải nếm mùi cay đắng khi “nạn nhân” công khai trả đũa.
Với tiền của mình, Định lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, ôm vai bá cổ những cô gái xinh đẹp, trẻ trung… Ngay cả cách xưng hô, giữa bao người, có lúc anh cũng “tao – mày”, quát tháo với Mai, sẵn sàng tuôn ra lời thóa mạ…
Mình sai lầm mình đành chịu để cuộc sống nó ra như thế, Mai tâm sự với cô bạn đơn thân, mà trong lòng không khỏi xót xa thèm muốn sự tự do của cô ấy.

Đỗ Hoàng/TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)