Bộ GTVT vừa cho biết, Ban Quản lý dự án 1 đã đề xuất dự án đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương) theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 8.074 tỷ đồng.
Theo phương án đề xuất, dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có chiều dài tuyến khoảng 59,6km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) với điểm đầu km0 trên Quốc lộ 1A (khoảng km1829+850) trùng với km54+794.07 dự án đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. Điểm cuối là km59+594 giao cắt với Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. Tuyến đường có quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe với bề rộng đường 24,7m, vận tốc thiết kế 100-120km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.074 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 6.887 tỷ đồng. Để xây dựng dự án, tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên giai đoạn 1 khoảng 464ha trong đó, địa phận huyện Thống Nhất là 64,6ha; huyện Định Quán là 165,6ha, huyện Xuân lộc là 16,2ha, huyện Tân Phú là 217,4ha.
Giai đoạn 2 cần khoảng 249ha, trong đó địa phận huyện Thống Nhất là 35,3ha; huyện Định Quán là 90ha, huyện Xuân lộc là 8,2ha, huyện Tân Phú là 115,4ha. Dự kiến, tuyến cao tốc này sẽ có mức thu phí 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian thu phí 22 năm 6 tháng đồng.
Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt. Trong hình đoạn cao tốc Liên Khương – Prenn. Ảnh: Internet
Theo Ban Quản lý dự án 1, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, đoạn Dầu Giây-Tân Phú là rất cần thiết do kết quả khảo sát cho thấy tuyến đường này đang có lưu lượng phương tiện tăng nhanh. Lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 20 hiện khoảng 17.597 xe con quy đổi (PCU/ngày, đêm), đối với đoạn Dầu Giây-Tân Phú khoảng 7.244 (PCU/ngày, đêm). Dự báo đến năm 2020, đường Quốc lộ 20 sẽ quá tải với lưu lượng dự báo lên tới 21.591 (PCU/ngày, đêm).
BÍCH QUYÊN/ SGGP
Bình luận (0)