Làng Thi Ông thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bao đời nay có tiếng hiếu học. Điều đó đã rõ qua minh chứng bao nhiêu thế hệ học trò thành đạt. “Nhưng bước đi của chữ nghĩa nơi này cũng lắm gian truân. Những người quanh năm đầu tắt, mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở đây đã dốc đến hạt lúa cuối cùng cho việc học của con cái. Bởi ai cũng nghĩ rằng, chỉ có thể đánh đổi được sự ấm no, đủ đầy của mai sau bằng chí dùi mài việc học”, ông Võ Đình Phả, Hội chủ làng Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nói.
Cụ Võ Thị Muội, con gái cụ đồ Bát Tấn kể về nơi khởi sinh sự học ở Thi Ông học xá cho thế hệ trẻ |
1.Theo chân ông Phả, tìm về nơi phát tích của Thi Ông học xá, lớp học xưa vẫn còn đâu đó trên dấu tích căn nhà cũ của cụ đồ Võ Văn Tấn. Cụ Võ Thị Muội – một người con gái của ông Võ Văn Tấn, còn gọi là ông Bát Tấn, người thầy của Đại tướng Đoàn Khuê năm nay đã bước sang tuổi 90 vẫn nhớ như in ngày cha dạy học ở làng: “Ngày đó ông nội và cha tôi đều làm nghề dạy học. Học trò nhiều lắm, chủ yếu là những đứa trẻ ở làng và tuy nhà nghèo mà ham học. Như Đại tướng Đoàn Khuê xưa cũng học ở nhà tôi, ông tới lui thân tình như con cái trong nhà”.
Ông Võ Đình Phả chỉ tay về phía nhà thờ họ Võ nằm chênh bên con mương thủy lợi nước trong veo, nói: Phát tích cho sự khuyến học của làng là cái đĩa nghiên nằm sát nhà thờ họ Võ, dấu tích xưa vẫn còn và người làng vẫn gắng công gìn giữ.
“Xưa để khuyến khích tinh thần hiếu học của con em, trong thôn trích phần ruộng khuyến học ra cho người có tâm, phấn đấu học có hành để giúp nước. Qua chiến tranh, hiện phần ruộng dành cho khuyến học không còn nhưng dân làng ai cũng nhớ mỗi khi đến hồ Dĩ Nghiên”. Ông Phả bảo rằng, nhờ thế mà thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, họ cùng thúc đẩy, động viên, khích lệ để họ làm thành những thế hệ hiếu học, giăng kết và tôn bồi thành xóm hiếu học, làng hiếu học, xã hiếu học. Tinh thần ấy, thành quả ấy là tấm gương sáng giữa vùng quê, tạo nên sự bứt phá. Mấy chục năm qua, Thi Ông còn tạo nên những quỹ khuyến học của dòng họ, chi hội khuyến học của làng, và góp mặt hết sức quan trọng vào quỹ khuyến học của xã Hải Vĩnh.
BS Hào trao quà cho HS nghèo vượt khó Mỗi khi nhắc đến chuyện học hành của con hay truyền thống của dòng họ, trong mỗi người dân nơi đây dường như được đánh thức niềm tự hào, nối dài thêm những câu chuyện về truyền thống học hành nơi mảnh đất này! |
2.Ông Võ Đình Phả chỉ tay về phía cổng Trường THCS Hải Vĩnh, bảo: “Thi Ông xưa từng được biết đến với một ngôi trường mang tên Thi Ông học xá nổi tiếng với nhiều học trò giỏi giang. Nay những con người từ mái trường này ra đi, học rộng hiểu nhiều lại về quê hướng nghiệp, nâng đỡ bước chân đến trường của bao lớp con cháu. Đó chính là điều làm nên sự đặc biệt ở mảnh đất hiếu học này. Không chỉ góp mặt vào làng khoa bảng cả nước hàng trăm tiến sĩ, giảng viên, giáo viên, nhà khoa học, kỹ sư, mà còn ở cách sống giản dị, lúc nào cũng nghĩ cho mai sau”. Nhiều thế hệ học trò ở Thi Ông không quên cái tên Hà Nguyên Hào – một bác sĩ tận tụy trong công tác khuyến học của thôn. Mặc dù bận công tác ở Đà Nẵng, nhưng bác sĩ Hào cũng thu xếp thời gian vận động các nhà hảo tâm để trao quà cho HS nghèo vượt khó. Ông bộc bạch: “Đã 52 năm tôi rời mái trường thôn này ra đi, học hành rồi trở thành bác sĩ nhưng chưa lúc nào tôi quên mái trường quê nghèo mình từng được thầy cô bắt tay nắn nót từng con chữ, phép tính. Lần này là lần thứ 19 tôi trở lại trong tâm thế người làm công tác khuyến học, nối nhịp cầu giúp các cháu học hành đỗ đạt, tự hào truyền thống cha ông”. Trong đôi mắt người con xa xứ, đọc được niềm khát vọng đèn sách, dẫu khốn khó trăm bề vẫn được nuôi dưỡng trong lòng với nhiều hoài bão.
Thầy Cao Viết Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Vĩnh phấn khởi cho biết: “Hải Vĩnh vẫn còn nghèo khó như bao miền quê lúa khác trên dải đất Quảng Trị nắng gió này, nhưng con em nơi đây rất hiếu học. Mỗi năm, trường có trên 50 em HS giỏi. Đặc biệt, năm học 2015-2016, trường có đến 2/5 HS toàn huyện Hải Lăng đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh”.
Về Hải Vĩnh đi tìm Thi Ông học xá, đi trong miên man hương lúa hương đồng, trong sóng xanh Vĩnh Định, nghe câu chuyện kể từ các bậc cao niên về nghiệp nhọc nhằn ươm con chữ, chợt nhận ra, người làng Thi Ông hiện tại cũng như tương lai cho dù có làm ăn, sinh sống tại làng hay tỏa đi muôn phương mưu sinh cơm áo thì trong huyết mạch của họ mãi mãi lưu giữ niềm khát vọng con chữ. Từ Bắc vào Nam, có biết bao ngôi làng lấy sự học làm trọng. Những người nông dân lam lũ, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vác cày cuốc ra đồng từ lúc gà cất cao tiếng gáy, những người mẹ đôn đáo chạy chợ, khuôn mặt sạm đen luôn hết lòng chăm lo sự học cho con.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)