So với mọi năm, năm nay lãnh đạo TP.HCM cũng như ngành GD-ĐT đã có những biện pháp cứng rắn hơn đối với tình trạng chạy trường. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều phụ huynh vẫn đang âm thầm… chạy cho con một chỗ học “ngon”.
Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT thì không thể tuyển sinh theo nhu cầu của phụ huynh được (ảnh chụp tại một trường TH ở Q.Phú Nhuận) |
Cuộc chạy đua của phụ huynh
Năm nay, cô con gái đầu lòng của vợ chồng anh M. (đường Nguyễn Cư Trinh, Q.2) vào lớp 1. Theo phân tuyến, cháu L. (con anh M.) học tại Trường TH Giồng Ông Tố, Q.2. Tuy nhiên, vợ chồng anh lại cho con học ở Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1. Với lý do: “Con học ở Q.1 gần chỗ bố mẹ làm việc nên tiện việc đưa đón. Nhà bên ngoại cũng gần đó có gì ông bà đến đưa rước cháu đi học cũng gần”. Nhưng có lẽ lý do quan trọng là anh nghĩ rằng các trường ở quận trung tâm chắc chắn điều kiện dạy dỗ tốt hơn.
Tương tự, gia đình chị D. (cán bộ ngành y tế ở Q.Thủ Đức) cũng đang tìm cách chạy cho cậu con trai thứ hai vào học Trường TH Hồng Hà, Q.Bình Thạnh. Chị D. giải thích: “Đứa con gái lớn của tôi học Trường TH Yên Thế, cơ sở vật chất nghèo nàn quá, trường thiếu phòng học và thiếu cả sân chơi. Vì thế năm nay bằng mọi cách chúng tôi phải chạy cho con vào học một trường tốt hơn”.
Không thể tuyển sinh theo nhu cầu của phụ huynh “Hiện nay hầu hết các trường TH đã đồng đều về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên vẫn còn một số trường đang ở trong giai đoạn chờ ghi vốn xây mới để cải tạo và nâng cấp lại phòng học, sân chơi, phòng chức năng. Để thực hiện chủ trương học đúng tuyến, quận đã có kế hoạch phân tuyến tuyển sinh đầu cấp. Chẳng hạn như Trường TH Hồ Văn Huê chỉ nhận HS có hộ khẩu ở P.9 chứ không giải quyết từ các phường khác chuyển đến. Tâm lý phụ huynh vẫn thường so sánh cho con học chỗ này hơn chỗ khác. Tuy nhiên hầu hết đó là những trường sĩ số đã đủ chuẩn và có thể quá tải nên việc chạy trường trái tuyến rất khó. Phòng GD-ĐT luôn ưu tiên cho trẻ học gần nhà, thuận tiện phụ huynh đưa rước chứ không thể tuyển sinh theo nhu cầu của phụ huynh. Hiện nay các trường đang giải quyết hồ sơ đúng tuyến theo quy định của ngành và địa phương. Riêng những trường hợp xin nhập học trái tuyến thì phải chờ đến giữa tháng 7 nhưng số lượng giải quyết rất hạn chế bởi vì các trường phụ huynh muốn chuyển về hầu hết nhận đủ HS”, ông Nguyễn Văn Đến – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận cho biết. |
Tình trạng chạy trường còn len lỏi từ trung tâm TP ra ngoại thành. Đơn cử như trường hợp vợ chồng anh B. Do hộ khẩu ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn nên cháu N. (con anh B.) được phân vào học tại Trường TH Thới Thạnh. Tuy nhiên ao ước của gia đình là muốn con vào học Trường TH Bùi Văn Ngữ. Theo anh B. đây là ngôi trường có cơ sở vật chất tốt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Trường TH Bùi Văn Ngữ, thì các trường TH Thới Tam, Tây Bắc Lân của H.Hóc Môn luôn phải chịu áp lực về chạy trường.
Đủ chiêu chạy trường
Chuyển hộ khẩu cho con từ nơi cư trú về các quận trung tâm là một cách chạy trường dễ nhất mà các bậc phụ huynh đang áp dụng hiện nay. Trường hợp con anh P. (cư ngụ tại P.3, Q.Gò Vấp) là một minh chứng. Anh đã chuyển hộ khẩu cho con từ Q.Gò Vấp vào Q.3 vào kết quả là con anh đã được “hợp thức hóa” vào học Trường TH N.T.S, Q.3. Theo tiết lộ của anh P., năm đó có 3 đứa trẻ đều nhập KT3 cùng lúc trong một nhà vậy mà không hiểu sao họ cũng lên phường chạy được.
Một chiêu chạy trường khác cũng được nhiều người áp dụng đó là… “Năm đầu tiên chịu mất một khoản phí gọi là “tiền đóng góp xây dựng nhà trường”, sau đó xin vào Ban đại diện cha mẹ HS. Nhờ vậy mà tôi dễ dàng xin cho 2 đứa con vào trường của anh trai nó (một trường điểm ở Q.1 – PV)”, ông B. (Q.Tân Bình) cho biết.
Không những thế, ông B. còn giúp được cho một vài người thân đưa con vào học tại ngôi trường vốn có tiếng là “cửa đóng then cài” rất chặt này.
Theo tiết lộ của thầy giáo nguyên là hiệu trưởng một trường TH ở Q.3, hầu hết phụ huynh chạy trường không gặp trực tiếp BGH vì biết chắc là không thể được nên thường nhờ người quen trong ngành, trong địa phương. Đây chính là điều khó xử nhất cho BGH nhà trường mà cụ thể sức ép đè lên vai người hiệu trưởng bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn và cả thư tay. “Nhận lời mà giải quyết thì cũng không được mà từ chối ngay thì cũng không xong” thật sự là khó xử. Điều này giải thích vì sao một số trường hợp trái tuyến, khác chỗ cư trú mà vẫn “lọt” vào các trường danh tiếng.
Anh H. một doanh nhân ở Q.Thủ Đức kể, cách đây cả chục năm có người bạn mang 50 triệu vào trường TH có tiếng ở Q.1 để xin học cho con nhưng không ai nhận cả. Chỉ đến khi nhờ người quen “móc nối” mới có kết quả dù chi phí quà cáp thấp hơn nhiều.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)