Khi có người cần cứu thương, người dân gọi đến đường dây nóng 115. Tại TPHCM, Trung tâm Cấp cứu 115 nằm ở quận 10 tiếp nhận cuộc gọi và trung tâm này lại phải liên lạc với bệnh viện gần nơi có người cần cấp cứu để đến ứng cứu. Để rút ngắn thời gian cứu thương, Sở Y tế đã triển khai thêm nhiều trạm cấp cứu 115 vệ tinh, hướng đến mỗi quận, huyện đều có ít nhất một trạm cấp cứu 115 vệ tinh.
Thời gian vàng trong điều trị
Bước đầu, Sở Y tế đã triển khai các trạm cấp cứu 115 vệ tinh tại các bệnh viện ở các cửa ngõ TP để cấp cứu kịp thời những ca tai nạn giao thông và những ca bệnh cần hỗ trợ gấp của người dân ở vùng ngoại thành. Vừa mới nhận tin có một ca tai nạn giao thông trên đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành, bác sĩ trực cấp cứu của Bệnh viện Quận 2 liền bấm chuông báo động cho cả đội đi ứng cứu. Trong khi nhân viên điều dưỡng đang ghi lại địa chỉ, số điện thoại liên lạc, thì xe cứu thương cùng với bác sĩ đã sẵn sàng để lấy thông tin, đến ngay hiện trường. Phải khẩn trương như vậy vì với những ca tai nạn giao thông nếu cấp cứu chậm trễ sẽ mất nhiều máu, dẫn đến nguy kịch.
Xe của trạm cấp cứu 115 vệ tinh nhanh chóng đến cấp cứu, rút ngắn thời gian cứu thương
Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi) cũng có trạm cấp cứu 115 vệ tinh từ nhiều tháng nay và đã cứu được nhiều ca nguy kịch. Nhận được thông tin một ca bị tai nạn giao thông vỡ lách mất máu rất nhiều, đội trực cấp cứu nhanh chóng đến nơi. Ngay khi sơ cứu dọc đường, bác sĩ đã gọi về bệnh viện báo phải cần lượng máu lớn để truyền cho nạn nhân.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP kể lại với niềm cảm kích, biết ơn các bác sĩ trực cấp cứu, chị Phan Thị Phương Thảo (ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) cho hay: “Người nhà bị đột quỵ, tôi gọi cấp cứu 115. Nhà ở trong vùng hẻo lánh, lâu nay gọi đón taxi rất khó có xe đến. Vậy mà mới gọi 115, chừng vài phút sau là có điện thoại của Bệnh viện Xuyên Á gọi lại hỏi đường đi và chỉ chút xíu là đã có xe cấp cứu đưa người nhà tôi đến bệnh viện. Khi chúng tôi mong muốn chuyển người nhà lên tuyến trên, Bệnh viện Xuyên Á cũng sẵn sàng, thái độ phục vụ rất tận tình, chu đáo”. TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc Bệnh viện Xuyên Á, chia sẻ: “Để cấp cứu kịp thời, bệnh viện luôn thực hiện quy trình báo động đỏ. Bác sĩ sơ cứu phải thông báo ngay cho bệnh viện tình hình ca cấp cứu, để bệnh viện chuẩn bị đón bệnh nhân và ứng phó kịp thời. Nếu bệnh nhân muốn chuyển viện lên tuyến trên, thì bác sĩ sơ cứu căn cứ tình trạng sức khỏe bệnh nhân để tư vấn, sơ cứu đảm bảo sức khỏe ổn định rồi sẽ chuyển lên”.
Mới đây, trạm cấp cứu 115 vệ tinh tại Bệnh viện Bình Tân đã cứu được một nạn nhân tai nạn giao thông bị gãy hai tay và một chân. Khi được đưa vào bệnh viện, bệnh nhân được Khoa Hồi sức cứu qua khỏi cơn nguy kịch. Sau khi sức khỏe ổn định, bệnh nhân đã được mổ bó lại tay chân.
Mỗi quận, huyện đều sẽ có trạm cấp cứu 115
Bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho hay: “Từ khi lập trạm cấp cứu 115 vệ tinh, Bệnh viện Quận 2 đã mở rộng địa bàn cấp cứu ở vùng ngoại thành, ứng cứu kịp thời cho những ca nghiêm trọng, đặc biệt là nạn nhân tai nạn giao thông. Để tiếp nhận nhiều ca cấp cứu hơn, bệnh viện đầu tư thêm xe cấp cứu được trang bị nhiều thiết bị y tế như máy điện tim, máy thở… để cấp cứu kịp thời”.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Tân, cho biết: “Bệnh viện Quận Bình Tân có khoa hồi sức tích cực chống độc, 25 giường, luôn trực 24/24 giờ để nhận những ca nguy kịch. Do vậy, khi bệnh viện hợp tác với Trung tâm Cấp cứu 115 triển khai cấp cứu khu vực đã phát huy thế mạnh về cấp cứu mở rộng, cấp cứu kịp thời, nhanh chóng những ca cấp cứu nguy kịch. Mô hình trạm cấp cứu vệ tinh này giúp cứu kịp thời những ca cấp cứu ở vùng ven ngoại thành và giúp giảm tải cho tuyến trên. Để đảm nhiệm được những ca cấp cứu nguy kịch với nhiều trường hợp khác nhau, bệnh viện đã có đội ngũ cấp cứu tổng hợp được chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên”.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay: “Thời gian vàng trong điều trị rất quan trọng. Từ khi lập các trạm cấp cứu 115 vệ tinh phối hợp với các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn các quận, việc cấp cứu được đẩy nhanh; khi nhận tin, đội trực khẩn trương xuất xe không quá 5 phút. Các trạm cấp cứu 115 vệ tinh nếu có đội ngũ bác sĩ giỏi thì cấp cứu ngay tại bệnh viện, vừa kịp thời vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đối với các bệnh viện không tham gia lập trạm cấp cứu 115 vệ tinh thì thành lập các tổ cấp cứu ngoài bệnh viện theo quyết định của Bộ Y tế về quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng tham gia các tình huống cấp cứu ngoài bệnh viện do Sở Y tế hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 điều động (khi có yêu cầu). Sở Y tế đã trình UBND TPHCM xem xét đề án đào tạo chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện, nếu được chấp thuận sẽ phối hợp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để triển khai ngay”
THANH HẢI/SGGP
Bình luận (0)