Tương tự môn văn và địa, trưa 4-7, nhiều thí sinh rời phòng thi môn sử sớm nhưng không hoàn thành trọn vẹn do đề được cho là khó và phải vận dụng kiến thức thực tiễn thay vì chỉ học thuộc rồi trình bày.
Dù mới chỉ 2/3 thời gian nhưng thí sinh ùn ùn ra khỏi phòng thi môn sử |
Mai Kiều (Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP.HCM) cho biết em là thí sinh cuối cùng của phòng rời khỏi phòng thi môn sử trong buổi sáng 4-7. Toàn bộ thí sinh phòng này (thuộc hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đều nộp bài vào 2/3 thời gian. Riêng Kiều chỉ tự tin làm được 50% nội dung thi. Mỗi câu em hoàn thành được vài ý, bỏ dở vài ý. Thí sinh này thi sử để xét tốt nghiệp THPT, tổ hợp chính em dự định xét tuyển ĐH-CĐ là toán – văn – tiếng Anh.
Tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhiều thí sinh dù nộp bài sớm nhưng lại không hoàn thành trọn vẹn bài làm, ngay cả nhiều em dùng sử xét tuyển ĐH-CĐ. Thí sinh Nguyễn Thùy Minh Anh (Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TP.HCM) ra rớm 30 phút và đánh giá đề không khó hơn năm ngoái. Tuy nhiên, đề thi năm nay có độ mở cao. Riêng câu 1 về “nguồn gốc cuộc cách mạng khoa học – công nghệ nửa sau thế kỷ 20”, thí sinh chỉ cần nhớ và trình bày lại kiến thức. Những câu còn lại, thí sinh nếu chỉ học thuộc bài chưa chắc làm tốt mà phải vận dụng, liên hệ kiến thức với thực tiễn, nhất là với câu cuối “thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cần làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc”.
Thí sinh Thành Trung (Trường THCS – THPT Trí Đức) cũng ra sớm nhưng chỉ hoàn thành hơn 60% bài thi. 70% thí sinh cùng phòng với Trung nộp bài trước 2/3 thời gian thi. Theo Tùng, dù cũng bám sát chương trình THPT nhưng đề thi khó hơn năm trước. Em khá lo lắng vì môn sử nằm trong tổ hợp xét tuyển ĐH-CĐ của em.
ThS. Ngô Quang Ty (Khoa Đại cương Trường ĐH Văn Hiến) đánh giá, đề thi sử năm nay với hai phần trong nước và thế giới, nội dung bám sát chương trình phổ thông. Điểm nổi bật của đề là không đi vào trình bày diễn biến, kết quả, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử mà yêu cầu thí sinh nhận xét tác động của các sự kiện lịch sử (như câu 3), nhờ đó, phát huy được năng lực tư duy của thí sinh. Điều này phù hợp với yêu cầu đổi mới của Bộ GD-ĐT. Đề thi phân hóa khá rõ, để đạt được điểm cao đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về vốn sống, về xã hội, thể hiện rõ ở câu 4.
Mê Tâm
Bình luận (0)