Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bảo vệ trẻ trước tiếng ồn

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi ngày, tiếng ồn bủa vây xung quanh trẻ, nhưng không phải người lớn nào cũng biết cách bảo vệ thính giác cho trẻ.

Bảo vệ trẻ trước tiếng ồn
Nhiều trẻ sớm dùng tai nghe, trong khi điều này có thể ảnh hưởng xấu tới thính giác – Ảnh: CHÂU ANH

Hằng ngày, cứ 5g chiều, một khu vui chơi trẻ em trong công viên tại Q.10, TP.HCM lại bắt đầu lên đèn và nổi nhạc, chào đón các bạn nhỏ đến vui chơi.

Đấu loa!

Chị Lâm Thanh (56 tuổi) mỗi ngày đều đưa hai đứa trẻ, một bé 4 tuổi, một bé 7 tháng tuổi ra công viên chơi. Chị Thanh than phiền tiếng nhạc phát ra từ các loa đặt rải rác trong khu vui chơi làm chị ngồi được 5 phút là “ong ong cái đầu, oang oang lỗ nhĩ”.

Thậm chí, “cuộc đấu loa” này còn mỗi chiếc phát một bài hát khác nhau, phần lớn là nhạc sôi động. Thỉnh thoảng đang yên tĩnh, nhạc bật lên làm thằng bé nằm trong xe đẩy khóc ré lên.

Ngoài chị Thanh, nhiều phụ huynh mỗi chiều lại đưa con ra các khu vui chơi, giải trí. Thậm chí, không khó nhìn thấy nhiều trẻ em dưới 3 tuổi hoặc bé còn nằm trong xe đẩy được cha mẹ đưa đến nơi có nhạc với âm lượng lớn như vậy.

“Nhạc to đến mức tim tôi còn đập thình thịch thế này huống gì trẻ chưa biết nói”, một người đi tập thể dục trong khu vui chơi cho biết.

Chị Minh Quyên (32 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ vợ chồng chị phải đưa con gái 3 tuổi đi cùng mỗi khi ăn uống, hát hò với bạn bè vì không có người trông con. Thấy âm thanh ầm ĩ, chị nghĩ không được phù hợp với con nhưng không biết âm thanh trong phòng kín có ảnh hưởng khả năng nghe của con hay không.

Trong khi đó, chị T. sống ở đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) đã nhiều lần phản ảnh lên các cơ quan báo chí bởi hằng ngày từ người lớn đến trẻ nhỏ trong nhà đều không chịu nổi tiếng nhạc phát ra từ cửa hàng quần áo gần đó.

“Bé 5 tháng tuổi nhà tôi đang ngủ yên thì đùng một cái nhạc vang lên làm bé giật bắn mình khóc thét, quấy mãi không ngủ lại”, chị T. bức xúc.

Cẩn thận với tai nghe

PGS.TS Nhan Trừng Sơn, chủ tịch Hội Tai – mũi – họng nhi TP.HCM, cho biết điếc do tiếng ồn thường rất nguy hiểm bởi khi điếc ở các cấp độ nặng nhẹ khác nhau, trẻ em không thể nói ra nên cha mẹ không biết để đưa trẻ đi khám sớm.

Cũng theo bác sĩ Sơn, nhiều phụ huynh cho con đeo tai nghe khi xem phim, nghe nhạc trên máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng mà không biết tác hại lâu dài. Để nhận biết trẻ bị điếc hoặc suy giảm thính lực, cha mẹ nên chú ý quan sát.

Cụ thể, trẻ có xu hướng ngồi gần tivi mới nghe rõ tiếng, cha mẹ phải lặp lại câu hỏi nhiều lần con mới nghe thấy, phản ứng chậm với các khẩu lệnh hoặc trẻ nói rất to nhưng lại nghĩ mình đang nói nhỏ.

Ngoài ra, có bạn trẻ đeo tai nghe trong lúc đi xe, tập thể thao, thậm chí đeo tai nghe cả đêm để nghe nhạc. Điều này dẫn đến việc tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, ảnh hưởng không tốt đến tai, giảm thính lực. Nặng hơn, nhiều người bị điếc ở một số tần số nào đó hoặc điếc hẳn một tai.

Đó là chưa nói đến việc đeo tai nghe, bật âm thanh lớn đến mức không chú ý môi trường xung quanh, dễ gây tai nạn hoặc viêm tai do nút tai nghe bám bẩn.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo một số nơi có tiếng ồn quá lớn gây ảnh hưởng tới thính giác trẻ em như các cửa hàng mở loa nhạc quảng cáo, phòng karaoke, các tụ điểm ca nhạc và tiệc tùng, thậm chí nhiều công viên, khu vui chơi, nơi trẻ em thường được đưa tới cũng phát nhạc quá lớn. Do đó cha mẹ nên tránh đưa trẻ đến các khu vực như vậy.

Trong một số trường hợp bất khả kháng, như đi máy bay, cha mẹ có thể dùng bông gòn hoặc khăn giấy sạch, vo tròn rồi đút vào tai trẻ. Việc làm đơn giản này có thể hạn chế được khoảng 50% tiếng ồn.

Tiếng ồn không chỉ gây điếc

Nhiều nghiên cứu cho thấy với các bà mẹ mang thai thì tiếng ồn làm tăng nhịp tim và chuyển động của thai nhi, nặng nề hơn thậm chí có thể gây sinh non.

Với trẻ độ tuổi đi học, tiếng ồn làm các em giảm khả năng tập trung vào việc học, giảm khả năng tư duy nhưng lại gia tăng các hành vi cáu kỉnh, gây hấn. Ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm, tiếng ồn từ 35dB trở lên là đủ để gây rối loạn giấc ngủ. Trẻ ngủ không ngon, hay trằn trọc, do vậy cơ thể bị thiếu ngủ và gây ra trạng thái mệt mỏi, buồn chán vào ngày hôm sau.

Tiếng ồn ảnh hưởng đến nội tạng, có thể làm giảm hoạt động co bóp của dạ dày, giảm tiết nước bọt lẫn dịch vị, do vậy trẻ trở nên biếng ăn, ăn khó tiêu. Ngoài ra tiếng ồn cũng làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp.

Có một số biện pháp để giảm ô nhiễm tiếng ồn như: kiểm soát nguồn phát sinh tiếng ồn; giảm tiếng ồn trên đường lan truyền như bố trí các tấm vật liệu cách âm, hút âm trên tường và trần nhà. Trồng cây xanh quanh nhà, quanh trường học cũng là biện pháp chống ồn tích cực…

Bác sĩ PHAN QUỐC BẢO (chuyên khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2) –

DIỆU NGUYỄN ghi

 

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)