Ngày 4-7, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ theo từng quý. Tại đây, lãnh đạo Sở Y tế TP đã đưa ra nhiều định hướng giảm tải cho bệnh viện (BV) tuyến trên như tăng cường đưa bác sĩ về tuyến y tế cơ sở; đầu tư hoạt động khám bệnh, điều trị ngoại trú tuyến cơ sở; đẩy mạnh mạng lưới bác sĩ gia đình…
Bác sĩ BV huyện Củ Chi khám bệnh cho người dân |
Đưa bác sĩ về tuyến cơ sở
Hàng năm, ngành y tế của TP đã khám và điều trị cho hơn 30 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có 40-60% người bệnh đến từ khu vực phía Nam và các tỉnh miền Trung. Điều này khiến cho khối BV TP, nhất là các BV chuyên khoa quá tải, trong đó chủ yếu tập trung vào khu khám bệnh, khu điều trị ngoại trú. Do đó, theo Sở Y tế TP.HCM nếu các BV quận, huyện đầu tư hoạt động khám bệnh, điều trị ngoại trú và điều trị trong ngày sẽ thu hút được người bệnh và giảm quá tải cho các BV TP.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết, đề án giảm tải đã đưa ra định hướng phát triển cho các BV quận, huyện của TP theo 3 nhóm, trong đó tập trung ở nhóm đầu tiên là phát triển thành BV đa khoa với thế mạnh là khám (50-100 phòng khám) và điều trị ngoại trú, chỉ phát triển nội trú với quy mô 100 giường – 150 giường bệnh, triển khai cho các BV nội thành.
Để phát triển về chất lượng lẫn số lượng nguồn nhân lực y tế, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nâng mức chỉ tiêu đào tạo từ 620 lên 800 chỉ tiêu để tăng số lượng bác sĩ trên toàn dân. Theo đó, từ nay đến năm 2020 mỗi năm sẽ có 600 -1.000 bác sĩ tốt nghiệp và được đào tạo sau ĐH các chuyên khoa. Bác sĩ tốt nghiệp tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ được phân công về các tuyến y tế cơ sở và các BV được đầu tư thành lập mới hoặc cải tạo, sửa chữa như BV Nhi đồng TP, BV huyện Củ Chi, BV Q.Gò Vấp… Tất cả bác sĩ được phân công về công tác tại các tuyến này sẽ được tiếp tục đào tạo chuyên khoa 3 năm.
Phát triển phòng khám bác sĩ gia đình
TP.HCM đã triển khai 160 phòng khám bác sĩ gia đình tại 136 trạm y tế phường, 20 BV quận, huyện, 2 phòng khám đa khoa tư nhân và 2 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân. Đến thời điểm này, Sở Y tế TP đã cấp 472 chứng chỉ hành nghề chuyên khoa bác sĩ gia đình.
Sở Y tế TP cũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai nhân rộng Đề án mô hình bác sĩ gia đình, tiếp tục luân phiên bác sĩ từ các BV TP xuống các BV quận, huyện, bác sĩ BV quận, huyện xuống các trạm y tế phường, xã, thị trấn để đảm bảo mỗi trạm có ít nhất 1 bác sĩ và phấn đấu 2 bác sĩ trong thời gian tới. Đến năm 2018 sẽ triển khai cho 319 trạm y tế đều thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, song song với việc chuẩn hóa phác đồ điều trị của trạm y tế, cơ chế chuyển tuyến từ các phòng khám bác sĩ gia đình của trạm. Trong giai đoạn 2016-2018 sẽ triển khai mỗi phường, xã thêm 1 hoặc 2 phòng khám bác sĩ gia đình ở ngoài trạm y tế. Đến năm 2020, phấn đấu triển khai ít nhất 2.000 phòng khám bác sĩ gia đình (tương đương 1 phòng khám cho khoảng 6.000 dân). Ngoài ra, sẽ khuyến khích phát triển các phòng khám gia đình ở các phòng khám ngoài công lập.
Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ triển khai mô hình phòng khám vệ tinh của BV quận tại trạm y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của BV tuyến quận ngay tại trạm. Hiện đã có một số quận triển khai mô hình này như BV Q.Thủ Đức, BV Q.2…
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)