Sau khi kết thúc thi THPT quốc gia 2016, nhiều trường ĐH tổ chức thi cho các tỉnh đã vận chuyển bài về TP.HCM để tiến hành chấm. Theo kế hoạch, các đơn vị này sẽ hoàn tất chấm thi vào ngày 15-7.
Thí sinh thi xong môn sử tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ngày 4-7. Ảnh: M.Tâm |
TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, việc “dời quân” tổ chức thi cho gần 8.400 thí sinh Gia Lai năm nay khá thuận lợi. Sau buổi thi môn cuối, toàn bộ bài thi được công an áp tải về TP.HCM. Ngày 9-7, trường sẽ chính thức chấm và dự kiến hoàn tất vào ngày 18-7.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng vừa chuyển bài thi từ Tây Ninh về TP.HCM. ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo của trường) cho biết, trường đã tiến hành rọc phách từ hôm qua (5-7) và chính thức chấm từ ngày 8-7. Trong 200 cán bộ chấm thi đợt này, 60% là giáo viên của trường và giáo viên THPT của TP.HCM; 40% còn lại là giáo viên Tây Ninh.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, theo TS. Lê Chí Thông (Trưởng phòng Đào tạo), khâu rọc phách đã tiến hành từ ngày 1-7 (ngày thi đầu tiên). Năm nay trường tổ chức thi tại chỗ cho thí sinh TP.HCM. Ngày 6-7, trường thống nhất các phương án chấm và chính thức chấm vào ngày mai 7-7.
Không lo chuyện giáo viên chấm không công bằng Trao đổi với báo chí về công tác chấm thi, nhất là ba-rem điểm năm nay, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT) cho biết khi hội đồng ra đề xây dựng đáp án mở đã gợi ý một số nội dung mang tính chất chìa khóa, còn thí sinh làm bài thi bằng năng lực, tâm tư, tình cảm của mình mà không vi phạm pháp luật, đạo đức, văn hóa thì đều đạt điểm. Ông Trinh cũng cho biết, trước kỳ thi Bộ GD-ĐT đã tập huấn cán bộ, giáo viên chấm thi rất kỹ, vì thế, không lo chuyện giáo viên chấm không công bằng. “Tuy nhiên, trong quy chế không có điểm thưởng cho thí sinh”, ông Trinh khẳng định. T.Lam |
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Trần Thế Hoàng, cho biết trường chỉ chấm được 2 môn toán và tiếng Anh nên phải nhờ Sở GD-ĐT TP.HCM huy động thêm 310 giáo viên chấm các môn còn lại. Năm nay, trường được giao tổ chức thi cho hơn 9.000 thí sinh tỉnh Bình Phước, trong đó, khoảng 2.100 em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Trong buổi làm việc với trường mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đề nghị nhà trường cân đối, chuẩn bị thật chắc chắn lực lượng chấm thi bởi năm nay, tình hình chấm thi ở khu vực TP.HCM “rất căng” do nhiều trường ĐH gom bài của thí sinh các tỉnh khác về cùng chấm.
Kết thúc môn thi cuối cùng, nhiều cụm thi ĐH tại Hà Nội cũng đã rọc phách xong để chuẩn bị cho công tác chấm thi. Ông Nguyễn Phong Điền (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết trường sẽ bắt đầu chấm thi từ ngày 6-7. Giáo viên của trường sẽ đảm nhận chấm hai môn toán và tiếng Anh, các môn trắc nghiệm sẽ nhờ Cục Khảo thí của Bộ GD-ĐT. Còn các môn tự luận, trường đã thuê giáo viên của 10 trường THPT trên địa bàn Hà Nội chấm.
Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được giao chủ trì một cụm thi ĐH tại Hải Dương. Do đó, sau khi kỳ thi kết thúc, học viện sẽ phải vận chuyển đề thi từ Hải Dương về trường để tiến hành công tác chấm thi. Ông Vũ Ngọc Huyên (Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác sinh viên) cho biết chiều ngày 5-7, học viện sẽ tiến hành làm phách và sau đó tổ chức chấm thi. Dự kiến công tác chấm thi của học viện sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày thì hoàn tất.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Kim (Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi) cho hay, các môn thi đã được rọc phách xong và tiến hành chấm thi từ ngày 6-7. Trường chỉ có một số ít giảng viên chấm các môn tự luận, còn lại thuê giáo viên THPT và giảng viên các trường ĐH. Cụ thể, môn toán thuê thêm 80 giáo viên, ngữ văn 90 giáo viên, ngoại ngữ 60 giáo viên, lịch sử 20 giáo viên, địa lý 25 giáo viên. Những ngoại ngữ ít (như tiếng Nhật, tiếng Pháp…) trường nhờ ĐH Sư phạm Hà Nội chấm giúp. Dự kiến, ngày 15 và 16-7 trường sẽ chấm thi xong.
M.Tâm – T.Lam
NHẬN XÉT ĐỀ THI MÔN LỊCH SỬ TS. Tưởng Phi Ngọ (giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Muốn đạt điểm cao đòi hỏi phải hiểu sâu sắc vấn đề Tiếp tục hướng đổi mới, đề thi năm nay giảm thiểu yêu cầu ghi nhớ máy móc, nặng nề, dành phần lớn số điểm cho phần tư duy độc lập. Các câu hỏi đều xoáy vào kiến thức cơ bản, có khả năng phân hóa, bởi thí sinh đạt 5 điểm thì dễ nhưng muốn điểm cao đòi hỏi phải hiểu sâu sắc vấn đề, trả lời với lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục. Theo đó, ở câu I, về cơ bản thí sinh trình bày như sách giáo khoa, có thể viết ngắn gọn hơn nhưng phải đủ ý và diễn đạt chính xác. Ở ý 1 của câu II, thí sinh phải nêu rõ tên hai khuynh hướng cứu nước chủ yếu là tư sản và vô sản. Nếu mỗi khuynh hướng kèm theo một vài dẫn chứng do thí sinh lựa chọn từ bảng dữ liệu trên thì rất thuyết phục, khỏi mang tiếng là “đoán mò”. Ở ý 2, các em cần nêu đủ vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN) như: Đào tạo cán bộ; tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân (mà chủ trương “Vô sản hóa” năm 1928 là một ví dụ tiêu biểu), qua đó thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân phát triển mạnh mẽ; Từ HVNCMTN, hai trong số ba tổ chức Cộng sản đầu tiên đã được thành lập (1929) để sau đó thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (1930)… Sau khi nêu đủ vai trò, thí sinh nên khái quát rằng, HVNCMTN được coi là một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ý 1 của câu III chủ yếu đòi hỏi thí sinh phân tích tác dụng về quân sự và ngoại giao để hiểu kết luận trong sách giáo khoa rằng, thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi”. Ở ý 2, thí sinh không chỉ nêu quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị (12-1953) là đúng đắn mà quan trọng hơn, cần nêu những căn cứ dẫn đến quyết định đó thông qua việc Bộ Chính trị phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và địch về các mặt như: thế trận, quân số, vũ khí, hậu cần, tinh thần, quan hệ quốc tế… Đặc biệt, ở câu IV về “đường lối đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc”, dù là câu hỏi mở nhưng thí sinh không nên trả lời chung chung mà cần giải thích vì sao chủ trương “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc” của Đảng vẫn cần thiết trong thời kỳ đổi mới, kèm theo một vài ví dụ về biểu hiện cụ thể của chính sách nói trên. Đồng thời, các em nên liên hệ cụ thể những việc làm của thế hệ trẻ để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. ThS. Ngô Quang Ty (giảng viên Khoa Đại cương Trường ĐH Văn Hiến): Đề thi phân hóa khá rõ Đề thi sử năm nay với hai phần trong nước và thế giới, nội dung bám sát chương trình phổ thông. Điểm nổi bật của đề là không đi vào trình bày diễn biến, kết quả, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử mà yêu cầu thí sinh nhận xét tác động của các sự kiện lịch sử (như câu 3), nhờ đó, phát huy được năng lực tư duy của thí sinh. Điều này phù hợp với yêu cầu đổi mới của Bộ GD-ĐT. Đề thi phân hóa khá rõ, để đạt được điểm cao đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về vốn sống, về xã hội, thể hiện rõ ở câu IV. Thục Trân (ghi) |
Bình luận (0)