Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đừng để đường dây nóng lạnh dần theo thời gian

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 6-7, Văn phòng UBND TP.HCM đã tổ chức sơ kết 3 tháng sau khi tiếp nhận đường dây nóng, số 08.88247.247 ban đầu do Thành ủy lập và duy trì hoạt động trong một tháng, sau đó chuyển giao cho UBND TP tiếp nhận từ ngày 25-3.

Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP – phát biểu tại buổi họp

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP: “Nội dung phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề phát sinh trong sinh hoạt tại khu dân cư như lấn chiếm lòng đường, xây dựng nhà trái phép, sai phép, kinh doanh gây tiếng ồn, sản xuất gây ô nhiễm. Sự đa dạng của các thông tin đó đã phản ánh hơi thở cuộc sống ở TP, phần nào đo lường được những nỗi niềm, bức xúc và khó khăn mà người dân đang gặp phải”.

Phương thức vận hành đường dây nóng: Điện thoại trực tiếp hoặc tin nhắn SMS qua số điện thoại: 08.88247.247; Hộp thư điện tử: duongdaynong@tphcm.gov.vn. Thời gian: 24/24 giờ, 7 ngày/tuần.

Ông Mai Hữu Quyết – Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch và Tổng hợp UBND TP – cho biết: Qua ba tháng, đường dây nóng của TP đã tiếp nhận hơn 13.320 tin. Trong đó, tin cấp độ 1 (điện thoại viên trực tiếp hướng dẫn, giải đáp) là hơn 6.700 tin; cấp độ 2 (những vụ việc phát sinh trong đời sống người dân) gần 5.000 tin; cấp độ 3 (những nội dung TP đã có chỉ đạo, các đơn vị thực hiện chậm, chưa đạt hiệu quả) khoảng 1.000 tin; cấp độ 4 (người dân muốn gặp trực tiếp lãnh đạo TP) có 350 tin; cấp độ 5 (người dân hiến kế xây dựng TP) 230 tin.

Theo đó, Ban tiếp công dân đã chuyển xử lý 4.980 tin (cấp độ 1, 2) đến chủ tịch UBND quận, huyện, thủ trưởng các sở ngành. Điện thoại viên hướng dẫn 350 lượt người dân viết đơn trình bày nội dung cần gặp trực tiếp lãnh đạo gửi về Văn phòng Thành ủy hoặc Văn phòng UBND TP…

“Có thông tin người dân đại diện tập thể công nhân khiếu nại một công ty bóc lột người lao động khi bắt làm 10 tiếng rưỡi/ngày nhưng không tăng lương trong khi ký hợp đồng thì chỉ làm 8 giờ/ngày. Ban quản lý các KCX-KCN TP, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tiến hành kiểm tra, xử lý nên công ty này đã điều chỉnh thời gian làm việc. Hoặc người dân Q.10 phản ảnh, khi đến phường làm giấy tờ thường phải chờ. UBND Q.10 đã yêu cầu chủ tịch UBND 15 phường đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, đúng thời gian quy định khi người dân đến giao dịch hành chính công, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp phản ảnh tương tự trên đường dây nóng”, ông Hoan nêu một số vụ việc.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phản ánh phần mềm xử lý thông tin đường dây nóng còn xảy ra lỗi kỹ thuật; việc cập nhật kết quả xử lý thông tin chưa phân biệt rõ đâu là nội dung kết quả phản hồi thông tin (sau khi xử lý) với việc chỉ đạo xử lý thông tin ở cấp cơ sở (nội dung chỉ đạo giao việc ở cơ sở). Bên cạnh đó, thông tin dành cho đội ngũ điện thoại viên còn thiếu nên việc hướng dẫn đôi khi chưa rõ ràng; việc phản hồi thông tin tại các sở ngành, quận, huyện còn chậm…

Trước phản ánh này, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – cho biết: Thời gian tới tiếp tục tập huấn nâng cao kỹ năng cho điện thoại viên nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận, phân cấp, hướng dẫn thông tin phản ánh của người dân cũng như hoàn chỉnh phần mềm xử lý đường dây nóng bảo đảm công tác cập nhật xử lý, không xảy ra lỗi phần mềm trong quá trình sử dụng…

Kết thúc buổi làm việc ông Võ Văn Hoan cho rằng, việc triển khai đường dây nóng có ý nghĩa là cầu nối giữa lãnh đạo TP và người dân. Qua đường dây nóng này, lãnh đạo TP hiểu dân nhiều hơn; lãnh đạo quận, huyện hiểu được các vấn đề đang xảy ra tại địa bàn.

Ông Hoan đề nghị sắp tới phải có kênh để đánh giá mức độ hài lòng của người dân về đường dây nóng. “Đừng để đường dây nóng theo thời gian mà lạnh dần. Phải xem xử lý thông tin đường dây nóng là công việc hằng ngày nên không thể chậm trễ. Việc đó không chỉ lợi cho dân mà còn cho cả chính quyền TP”, ông Hoan nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)