Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Hạ độ cao vỉa hè, mặt đường Kinh Dương Vương: Người dân chưa thỏa đáng!

Tạp Chí Giáo Dục

Giảm 10cm, 40cm, 60cm độ cao vỉa hè sát nhà dân trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) so với kế hoạch dự án ban đầu là những phương án mà Sở GTVT và Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố vừa thống nhất đưa ra nhằm giảm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt các hộ dân trên tuyến đường này. Đồng thời, Sở GTVT cũng đề xuất thêm phương án giảm độ cao mặt đường xuống 20cm.

Chiều cao của lô cốt trước cửa hàng Liên Phúc, số 542B có thể là chiều cao của mặt đường trong tương lai. Tình trạng này bắt buộc người dân phải sống dưới hầm hoặc nâng nền sửa chữa lại toàn bộ căn nhà

Các phương án sẽ được thông qua sau khi lấy ý kiến người dân sắp tới đây. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi, hầu hết người dân đều không bằng lòng, đặc biệt phương án giảm độ cao vỉa hè sát nhà dân vì các phương án này sẽ tạo vỉa hè 2 bậc.

Không thể có một vỉa hè bên cao bên thấp

Chủ nhà số 290, kinh doanh nhà nghỉ cho biết, gia đình không chấp nhận vỉa hè 2 bậc vì phương án này vẫn khiến các hộ dân phải sống dưới hầm. Tức vỉa hè cao hơn nền nhà người dân khoảng 60cm, muốn đi ra đường buộc người dân phải bước lên 2 bậc, muốn dắt xe, di chuyển đồ đạc phải bắc thang.

Chủ nhà này bức xúc: “Đối với hộ dân bình thường, nội việc dắt xe gắn máy ra vào nhà đã khó khăn, còn đối với hộ kinh doanh như gia đình tôi, khách ra vào thường xuyên, việc di chuyển như vậy là hết sức bất cập”.

Ông Trần Trung Liệt, chủ nhà 315 cũng không đồng tình phương án hạ độ cao vỉa hè sát nhà dân. Ông cho rằng, liệu phương án này có đảm bảo nước không tràn vào nhà dân khi mà vỉa hè ngoài đường cao hơn nền nhà đến 2 bậc tam cấp. Trong cuộc họp lấy ý kiến diễn ra mới đây tại phường An Lạc, ông Liệt và các hộ dân được đơn vị thi công cho biết, vỉa hè sẽ bị chia làm đôi. 1/2 vỉa hè sát cửa nhà dân sẽ được giảm độ cao theo các mức đã đưa ra. Còn 1/2 vỉa hè bên giáp đường thì không giảm. Có nghĩa một vỉa hè rộng khoảng 4m sẽ bị chia làm đôi, bên cao, bên thấp.

Mục đích sửa chữa, nâng đường Kinh Dương Vương là để chống ngập do triều cường và trời mưa. Trong quá trình thiết kế, tính toán nâng đường, các đơn vị tư vấn đã tính toán, kiến nghị chọn cao độ thiết kế tại tim đường + 2,0m và mép đường + 1,71m. Do hiện trạng đường Kinh Dương Vương trũng thấp bắt buộc các đơn vị thi công phải nâng cao thêm 0,5 đến 1,35m. Trong đó, đoạn nâng cao từ 1m trở lên dài khoảng 1,8km (đoạn từ đường Lâm Hoành đến vòng xoay An Lạc) mới đạt cao độ này. Tuy nhiên, việc nâng cao đã khiến hơn 500 hộ dân sinh sống, các trường học, công ty hai bên tuyến đường bị ảnh hưởng.

“Vỉa hè là lối ra vào của các hộ dân bên đường, cũng là nơi dành cho người đi bộ. Nếu chia đôi, người dân ra vào nhà vô cùng khó khăn, các hộ kinh doanh, buôn bán ảnh hưởng rất lớn. Đối với người đi bộ, sơ ý có thể trượt chân từ vỉa hè cao xuống vỉa hè thấp. Đối với người khuyết tật đi xe lăn sẽ khó mà di chuyển lên xuống. Chưa kể mất mỹ quan đô thị vì không có nơi nào mà một vỉa hè bị chia đôi bên thấp, bên cao”, ông Liệt cho biết.

Theo ông Liệt, tình trạng ngập chỉ diễn ra vào mùa mưa là chính chứ không phải do triều cường như các đơn vị đầu tư nêu ra. Nếu nâng cao khoảng 20cm, song song đó nên tập trung nạo vét, thông thoáng hoặc mở rộng hệ thống cống nước thì có thể được. Vì hệ thống cống bị tắc nghẽn do ảnh hưởng của các đợt làm, sửa đường.

Cần phải có giải pháp hợp lý và nhanh nhất

Hầu hết các hộ dân tỏ ra thất vọng và cho rằng người dân bị đặt vào tình thế “việc đã rồi”. Vì chỉ sau một đêm thức giấc thì gạch, đá được đổ đầy trước nhà để xây dựng mặt đường, vỉa hè với chiều cao ngất ngưởng.

Bà Thạch Tuyết Anh, nhà 542 tâm sự, tất cả mọi hộ dân không đồng ý trước công trình đang thi công, nhưng việc đòi hỏi các cơ quan chức năng trả lại hiện trạng con đường ban đầu là rất khó vì đá đã đổ, đã xây, nhiều đoạn đường đã thi công. Còn nếu đồng ý với dự án “đường cao hơn nền nhà”, bắt buộc người dân phải nâng nền, sửa lại càng khó hơn, vì đâu phải hộ dân nào cũng có đủ kinh phí để làm.

“Những gia đình kinh tế khá giả, có thể họ sẽ không gặp vấn đề gì, song ngược lại đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn là vấn đề nan giải. Việc nâng nền lên đồng nghĩa phải nâng trần, coi như phải sửa lại toàn bộ. Gia đình nào có tiền thì ráng được, còn không thì đành phải bán nhà đi nơi khác”, bà Tuyết Anh than thở.

Chủ cửa hàng Liên Phúc, số nhà 542B cũng thông tin, bề ngang nhà chị đang ở rộng 8m, cao 3 tầng, tầng 1 kinh doanh mũ bảo hiểm. Nếu nâng nền thì gia đình chị phải bỏ tầng 1 vì chiều cao quá thấp không thể kinh doanh. Còn nếu tiếp tục kinh doanh thì phải đập trần, sửa chữa lại toàn bộ 3 tầng. Về kết cấu nhà sẽ bị ảnh hưởng, về kinh phí sửa chữa sẽ rất lớn. Gia đình chị đang rất lo lắng trước vấn đề này.

“Chúng tôi mong các đơn vị chức năng tìm ra giải pháp khắc phục hợp lý nhất, nhanh nhất để công trình không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Kể từ khi làm đường, việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều. Khách hàng ít lui tới, ngày ngày phải hít không ít bụi bặm từ đất đá công trình khiến sức khỏe, cuộc sống bị ảnh hưởng rất lớn”, vị chủ cửa hàng này than thở.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)