Theo nhận định của nhiều giám khảo, kết quả chấm thi năm nay phản ánh đúng phần nào như những nhận định chung của dư luận về đề thi và dự đoán kết quả làm bài của thí sinh. Tuy bài làm của thí sinh có tính phân loại và đáp ứng được mục đích của kỳ thi, song nhìn chung không có nhiều bất ngờ về điểm số…
Thí sinh xem lại đề thi sau buổi thi môn văn tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm |
Phổ điểm môn văn từ 5,5 đến 6,5 điểm
Đó là nhận định của nhiều giám khảo chấm thi môn văn. Mặc dù đề thi năm nay có nhiều câu hỏi trùng lặp ý như chúng tôi đã phân tích trong bài Những “hạt sạn” trong đề thi môn văn (Giáo dục TP.HCM ngày 4-7), nhưng vẫn đảm bảo được tính phân loại. Thí sinh làm tốt phần đọc hiểu ở các câu hỏi 1, 2, 5 và 6, vì các câu này khá đơn giản. Câu 1 của phần làm văn đa số thí sinh đạt được trong khoảng 1,5 đến 1,75 điểm. Phần nghị luận văn học (câu 2: 4,0 điểm), điểm phổ biến là 2,0 đến 2,25 điểm. Do đặc trưng của môn văn, nên nhiều giám khảo cho biết chưa có điểm liệt môn này. Vì lẽ thường, nếu thí sinh được 1,0 điểm cũng được giám khảo “châm chước” cho thêm 0,25. Chưa thấy có thí sinh điểm 10, chỉ thi thoảng một vài phòng thi có điểm 9, nhất là những thí sinh thi khối C và D. Điểm được lớn nhất về bài làm môn văn lần này là hạn chế số lỗi về dùng từ, chữ viết, chính tả… Phải chăng thí sinh đã bắt đầu “có ý thức” hơn khi Bộ GD-ĐT yêu cầu đưa phần này vào thang điểm của đáp án chấm từ năm ngoái!
Các nhược điểm của thí sinh về bài làm môn văn là yếu về kiến thức tiếng Việt, như các phép tu từ, phương thức biểu đạt… Chẳng hạn nhầm lẫn phương thức biểu đạt với phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận. Hoặc như đề yêu cầu kể ra 2 phép tu từ nhưng nhiều thí sinh chỉ kể được 1, hoặc kể sai. Trong khi đáp án gợi ra đến 4 phương án trả lời. Cái sai ngớ ngẩn nhất của thí sinh là ở phần nhận biết của câu đọc hiểu, khi đáp án chỉ chấp nhận một phương án trả lời đúng thì có em trả lời may rủi đến 3, 4 phương án. Cho nên mặc dù có một phương án đúng trong đó cũng không được điểm. Hoặc ở bài làm văn xã hội, nhiều thí sinh viết thành một đoạn văn. Thậm chí có thí sinh làm thành hai bài riêng ở phần nghị luận văn học, là phân tích tình huống và bình luận ý kiến. Nhiều bài làm phân tích chung chung truyện ngắn Vợ nhặt, và chủ yếu dừng lại ở phân tích tình huống truyện, chứ chưa làm rõ được yêu cầu bình luận của đề ở vế thứ hai. Mà đây là câu hỏi có thang điểm cao nhất (4,0 điểm), có tính phân loại thí sinh nhiều nhất. Cho nên những bài điểm cao môn văn thường là những bài làm tốt câu này.
Tiếng Anh khá hơn năm trước, môn toán phân hóa tốt
Đề thi tiếng Anh gồm 2 phần, phần trắc nghiệm (8 điểm) chấm bằng máy và phần tự luận chấm tay. Với phần tự luận môn tiếng Anh (2,0 điểm), nhiều giám khảo cho rằng, so với tình hình bài làm của năm trước thì khả quan hơn. Nếu năm ngoái phần này có gần 60% thí sinh không có điểm, thì năm nay số điểm 0 hạn chế nhiều. “Có thể do thí sinh được làm quen nhiều hơn ở trường khi giáo viên ôn. Các em chỉ cần nắm vững văn phạm là được từ 0,3 đến 0,5 điểm đối với phần chuyển đổi câu”, một giám khảo môn tiếng Anh cho biết. Phân loại rõ nhất là ở phần bài luận (viết đoạn văn 140 từ, bàn về vấn đề rất thời sự). Những bài viết luận tốt dễ dàng giúp thí sinh đạt từ 1,0 đến 1,5 điểm, qua đó giúp cho việc phân loại thí sinh tốt hơn.
Trong khi đó, theo nhận xét của nhiều giám khảo chấm thi môn toán, năm nay bài làm có sự phân hóa thí sinh tốt. Một giám khảo chấm thi môn toán cho biết: “Do đề toán năm ngoái tương đối dễ, cộng với cách sắp xếp các câu hỏi chưa khoa học để đảm bảo tính phân loại, cho nên có nhiều bài làm điểm bình bình ngang nhau. Năm nay đề phân hóa rất rõ từ câu hỏi dễ đến khó nên tình hình bài làm khác hẳn”. Số điểm 5,0 đến 5,75 là phổ biến. Thỉnh thoảng vẫn có thí sinh bị điểm liệt môn toán (từ 1,0 điểm trở xuống) trong mỗi phòng thi, điểm dưới 5,0 cũng khá nhiều. Những thí sinh làm tốt phần hình học và các câu hỏi IX, X của đề thi mới có hy vọng điểm trên 8,0.
Trần Ngọc Tuấn
Để việc chấm thi được công bằng Theo nhận định chung của nhiều giám khảo, bài làm của thí sinh năm nay có thể sẽ có phổ điểm thấp hơn năm trước, nhưng vẫn đáp ứng được mục đích của kỳ thi “2 trong 1”. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm bất cập, như đáp án chấm còn quá mở của một số bộ môn xã hội, như môn văn. Hoặc do đặc trưng của kỳ thi năm nay là giao về cho các địa phương tổ chức. Trong khi đó nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức coi thi và chấm thi. Tỷ lệ nhân sự giữa các trường ĐH và giáo viên THPT theo quy định tối thiểu của Bộ GD-ĐT cũng không đồng đều. Nhiều giám khảo chưa bao giờ tham gia việc chấm thi… Vì thế, để có sự công bằng trong việc chấm thi cho các năm sau, theo chúng tôi, cần lưu ý đến các điểm sau đây: Thứ nhất, xây dựng đáp án chấm thật hợp lý hơn. Xu hướng đề thi những năm gần đây được ra theo hướng mở. Điều đó đòi hỏi thí sinh cũng phải vận dụng kiến thức, kỹ năng mở để làm bài và đáp án chấm cũng phải theo hướng mở. Nhưng để đánh giá chính xác hướng làm bài mở này thì chỉ có những giám khảo nắm thật chắc chương trình, hiểu thật rõ đối tượng làm bài… mới có thể đánh giá đúng được. Trong khi đó quan sát đáp án chấm những năm gần đây, có thể thấy còn nhiều đáp án quá chung chung, quá mở. Vì vậy để không bị lệch điểm giữa các giám khảo, cần phải xây dựng đáp án chấm thật chuẩn, thật chi tiết, nhất là những câu hỏi theo hướng mở cũng phải lường trước những phương án chấm mở nào để các giám khảo có cơ sở chấm. Và phải có sự thống nhất toàn quốc khi họp thống nhất cách chấm. Thứ hai, bố trí các giám khảo trong các vòng chấm thật khoa học. Theo đó, cần bố trí hợp lý giữa những giám khảo đã có kinh nghiệm và giám khảo chấm lần đầu, giữa giám khảo trực tiếp giảng dạy đối tượng với giám khảo không trực tiếp dạy, giữa giám khảo là giáo viên THPT và giám khảo là giảng viên ĐH… Thứ ba, tăng cường và tổ chức việc chấm thanh tra tích cực, hợp lý, hiệu quả hơn. Có những can thiệp kịp thời nếu thấy bất thường trong việc chấm của giám khảo. Có biện pháp để giới hạn số lượng bài chấm hợp lý của các giám khảo trong từng buổi, từng ngày và cả đợt chấm. Không hối thúc về mặt thời gian, tiến độ chấm, để tạo ra tâm lý thoải mái cho giám khảo… |
Bình luận (0)