Tân Hoa xã trích dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng các quần đảo này đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào dựa trên phán quyết này.
Người biểu tình phản đối Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Makati, Philippines – Ảnh: Reuters |
Bắc Kinh đã tức giận bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12-7 khi Tòa từ chối tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại biển Đông cũng như giáng một đòn ngoại giao nghiêm trọng đến tham vọng của nước này trong vùng biển giàu tài nguyên.
AFP cho biết Trung Quốc luôn miệng khẳng định chủ quyền trên hầu hết các vùng biển chiến lược quan trọng tại biển Đông bất chấp các tuyên bố chủ quyền từ các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là Philippines.
Tuy nhiên hôm qua tòa án quốc tế PCA tại The Hague, Hà Lan đã phán quyền rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với khu vực này.
Manila đã hoan nghênh quyết định trên trong khi Trung Quốc tuyên bố tẩy chay các thủ tục tố tụng và khẳng định nước này "không chấp nhận và cũng không thừa nhận" phán quyết.
"Phán quyết này là vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc"- Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trên trang mạng của bộ, một lần nữa nhắc lại yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Wu Ken lại nói rằng "hôm nay (12-7) là một ngày thứ ba đen tối cho The Hague" và rằng phán quyết "là một sự sỉ nhục của luật pháp quốc tế".
Reuters dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai cho biết phán quyết của tòa PCA phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông sẽ "tăng cường xung đột, thậm chí là đối đầu".
Ông Tiankai phát biểu tại một diễn đàn quốc tế tại Washington rằng Bắc Kinh vẫn cam kết đàm phán với các bên trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng không quên đổ lỗi cho Mỹ trong việc gia tăng căng thẳng trên biển Đông khi Mỹ xoay trục về châu Á trong những năm qua.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền bao gồm vùng biển của gần hết các nước láng giềng trong khu vực dựa trên một định nghĩa mơ hồ về "đường chín đoạn" được tìm thấy trên một bản đồ của Trung Quốc năm 1940.
Trung Quốc đã nói rằng ngư dân của mình đã đến khu vực này trong nhiều thế kỷ nhưng tòa PCA khẳng định theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) thì không chỉ riêng Bắc Kinh có quyền kiểm soát khu vực này.
ANH THƯ (TTO)
Bình luận (0)