Y tế - Văn hóaThư giãn

Bí mật vụ thảm sát Hoàng gia Nepal – Kỳ 2

Tạp Chí Giáo Dục

7 năm sau vụ thảm sát, năm 2008, một thông tin gây chấn động nói rằng Thái tử Dipendra thật ra là người bị giết chết đầu tiên. Theo báo Nepal Naya Patrika, đó là tuyên bố của cảnh vệ Lal Bahadur Lamteri Magar – người có mặt tại đêm án mạng năm 2001.

MỘT TAY SÁT HẠI CẢ GIA ĐÌNH
Trong khi các quan chức và Hoàng gia Nepal vẫn im lặng, đã có những thông tin lọt ra ngoài rằng thủ phạm thảm sát hoàng gia là một thành viên hoàng tộc.
Kết luận đau lòng
Ủy ban điều tra đặc biệt, do Quốc vương Gyanendra thành lập, gồm Chánh án Tòa án tối cao Nepal Keshav Prasad Upadhaya và Chủ tịch Quốc hội Taranath Ranabhat, đã mở cuộc điều tra nguyên nhân vụ thảm sát. 
Sau khi thẩm vấn hơn 100 người bao gồm nhân chứng và nhân viên làm việc trong cung điện, ngày 14/6/2001, Ủy ban điều tra này kết luận rằng thủ phạm ra tay sát hại các thành viên hoàng tộc không ai khác chính là Thái tử Dipendra. Câu trả lời chính thức của ủy ban như một nhát dao nữa đâm vào trái tim của người dân Nepal. Đau lòng hơn, động cơ của Thái tử Dipendra khi ra tay sát hại những người thân thiết ruột thịt được cho là do bị ngăn cấm chuyện hôn nhân. 
Trong buổi tối đầu tiên của tháng 6/2001, cuộc họp hoàng gia được tổ chức để bàn việc hôn nhân bị ngăn cấm của Thái tử. Cả Quốc vương và Hoàng hậu đều phản đối Devyani Rana – cô gái mà Thái tử muốn lấy làm vợ. Nhưng bất chấp sự ngăn cấm, Thái tử Dipendra đã bí mật làm lễ đính hôn với cô gái đó. Khi sự việc bị bại lộ, Quốc vương Birendra đã dọa không truyền ngôi cho Thái tử mà trao quyền kế vị cho em trai của Dipendra là Hoàng tử Nirajan. Trong buổi tối định mệnh ấy, một thảm kịch kinh hoàng đã xảy ra.

Ủy ban điều tra kết luận Thái tử Nepal Dipendra đã sát hại 9 thành viên Hoàng gia.

 

19 giờ 30 ngày 1/6/2001, Thái tử Dipendra tới cuộc họp Hoàng gia như thường lệ. Thái tử chơi bi-a một mình trong phòng bi-a Cung điện và uống chút rượu whisky Famous Grouse. Đến 20 giờ 12, theo ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại, Thái tử đã gọi điện và nói chuyện với Rana trong 1 phút 14 giây.

20 giờ 19 phút, Thái tử yêu cầu một cận vệ đưa cho vài điếu thuốc. Một số người có mặt nhìn thấy Thái tử “nghiêng ngả, không thể đứng thẳng” trong phòng bi-a. Mọi người cho rằng Thái tử say rượu và 4 người, trong đó có Hoàng tử Nirajan và Paras đã giúp đưa Thái tử về phòng.
20 giờ 25 phút, sau khi nói chuyện và thấy Thái tử có vẻ không khỏe, Rana gọi cho các cận vệ và yêu cầu họ kiểm tra tình trạng của Thái tử. Các cận vệ đã vào phòng giúp Thái tử cởi đồ và đưa Thái tử vào nhà tắm. Họ nghe thấy tiếng nôn. Sau khi ra khỏi nhà tắm, Thái tử Dipendra cho họ lui. 

Theo Nepalnews, hồi tháng 11/1950, Thủ tướng Nepal đã đưa Gyanendra, khi đó mới 4 tuổi, lên làm vua vì Vua Tribhuvan và Vua Mahendra đã bí mật rời Kathmandu đi Ấn Độ. Hai người này đã trở lại tháng 2 năm 1951, để phục hồi Vương triều Shah ở Nepal.

20 giờ 39 phút, Thái tử tiếp tục nói chuyện với Rana trong 32 giây. Thái tử nói: “Anh chuẩn bị ngủ đây… Ngủ ngon nhé, chúng ta sẽ nói chuyện vào ngày mai”. Sau cuộc điện thoại này, Thái tử ra khỏi phòng ngủ, tay cầm súng và tiến về phía phòng chơi bi-a. Tại phòng chơi bi-a, Thái tử nổ súng xuống sàn nhà, nhằm vào Quốc vương đang đứng nói chuyện với những người khác ở cuối phòng. Sau đó, Thái tử bước ra khỏi phòng và ném một trong những khẩu súng gần cầu thang về phía khu vườn, ở phía đông của phòng bi-a. Dipendra lại bước vào phòng bi-a, bắn Quốc vương, em rể Gorakh, em trai Quốc vương Birendra – Dhirendra và em rể Quốc vương – Kuma Khadga. 

Lần thứ 3 nổ súng điên loạn, Thái tử đã chĩa súng vào em gái mình – Công chúa Shruti, Công nương Sharada – vợ của Khadaga, cô của Thái tử – Công nương Shanti và em họ – Công chúa Jayanti. Hoàng tử Nirajan và Hoàng hậu Aishwarya đã rời phòng bi-a và chạy về phía khu vườn. Thái tử truy đuổi và nổ súng bắn chết họ. Tất cả đã chết dưới tay Thái tử. 
Theo Ủy ban điều tra, sau khi giết người thân, Thái tử Dipendra đã tự sát. Xác Thái tử nằm trên một cây cầu bắc qua hồ gần phòng riêng. Thái tử được đưa tới bệnh viện vào lúc 21 giờ 24 ngày 1/6/2001 và qua đời tại bệnh viện vì vết thương nặng ở đầu sau đó 3 ngày.  
Thuyết âm mưu
Kết luận về thủ phạm vụ thảm sát Hoàng gia làm dấy lên làn sóng tranh cãi cả trong và ngoài Nepal. Nhiều người dân Nepal không muốn tin rằng chính Thái tử lại là kẻ sát nhân. Sau vụ thảm sát, một loạt cuộc biểu tình nổi dậy diễn ra làm hàng chục người thương vong. Chính phủ mới đã phải ban hành một lệnh giới nghiêm kéo dài 3 ngày để chấm dứt tình trạng này.
Một trợ lý thân cận của Dipendra nói rằng: “Thái tử có thể từ bỏ ngôi vương vì tình yêu, chứ không bao giờ làm chuyện này”. Trong khi đó, nhiều người đặt nghi vấn tại sao Hoàng thân Gyanendra không có mặt trong cuộc họp hoàng gia tối 1/6, trong khi con trai của Hoàng thân này, Paras Shah lại rời khỏi hiện trường chỉ ít phút trước khi vụ thảm sát xảy ra. 
Đại úy Shahi kể rằng mình đã chạy thoát khỏi họng súng của Thái tử Dipendra và gọi trợ giúp. Một nhân chứng sống sót khác, chú của cố Quốc vương, Maheshwar Prasad Singh, nói: “Tôi rất tiếc phải nói điều này nhưng Dipendra đã nổ súng”. Lời khai của các thành viên Hoàng gia này đã phần nào giúp Quốc vương Nepal Gyanendra giũ bỏ những gièm pha về cuộc điều tra nguyên nhân thảm sát do chính ông chỉ đạo. Sự chấp nhận của người dân chắc hẳn là điều mà ông Gyanendra mong muốn trong bối cảnh rất nhiều người cho rằng ông có liên quan trong vụ thảm sát. 
Tại thủ đô Kathmandu, vài ngày sau lệnh giới nghiêm, sự giận dữ trong lòng dân chúng dần lắng dịu. Trong số hàng nghìn người xếp hàng ký vào sổ tang tại cổng cung điện, một số người nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng Thái tử Dipendra chính là thủ phạm sát hại các thành viên Hoàng gia. “Tôi không nghĩ nó là sự thật, nhưng chúng tôi có thể nói gì? Giờ chúng tôi đã có một quốc vương mới”, một người dân nói. 
7 năm sau vụ thảm sát, năm 2008, một thông tin gây chấn động nói rằng Thái tử Dipendra thật ra là người bị giết chết đầu tiên. Theo báo Nepal Naya Patrika, đó là tuyên bố của cảnh vệ Lal Bahadur Lamteri Magar – người có mặt tại đêm án mạng năm 2001.
Tuy nhiên, cho tới nay, nguyên nhân khiến Thái tử Dipendra ra tay sát hại những người thân, hay sự thực liệu có phải Thái tử chính là thủ phạm thảm sát hay không, vẫn chưa được xác định rõ. Trong khi đó, nhiều người vẫn tin rằng kẻ tình nghi lớn nhất trong tấn bi kịch này là ông Gyanendra, người đã lấy lại được ngôi vua bị mất thuở ấu thơ. 
Trần Minh/ baotintuc
 
 

 

Bình luận (0)