Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trần Bạch Đằng: Một người chiến sĩ cách mạng trung kiên!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Trần Bạch Đằng (15-7-1926/ 15-7-2016), sáng 14-7, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Trần Bạch Đằng – người Cộng sản kiên trung”.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP.HCM và đại biểu tham dự trao đổi bên lề hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Thân Thị Thư – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy xúc động: “Lịch sử cách mạng hào hùng nhân dân ta mãi mãi khắc ghi những chiến sĩ Cộng sản, những người lãnh đạo tài năng, đức độ, bản lĩnh, trí tuệ được trui rèn trong lửa đỏ, cùng tập thể vững vàng lèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua gian khổ đi đến thắng lợi cuối cùng. Một trong những người lãnh đạo như vậy là đồng chí Trần Bạch Đằng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn TW cục, Phó ban Dân vận TW…”.

Cán bộ lãnh đạo ngày nay phải học “ông Đằng”

Bà Thư nhấn mạnh: “Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và công cuộc xây dựng đất nước, đồng chí Trần Bạch Đằng đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho cách mạng, cho miền Nam, cho Đảng bộ nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM. Hơn 81 năm tuổi đời, 64 tuổi Đảng với hơn 66 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị công tác. Đồng chí đã thể hiện tinh thần kiên trung, hoạt động đầy sung mãn trên nhiều lĩnh vực, nghị lực của người chiến sĩ cách mạng với trí tuệ tinh thông, tư duy nhạy bén, sắc sảo, bản tính cần mẫn nghiêm túc trong công việc, thoáng đạt trong ứng xử, luôn tự học trong cuộc sống, trong chiến đấu, đồng chí Trần Bạch Đằng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng dân tộc”.

Với ông Nguyễn Thọ Trân – nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đồng chí Trần Bạch Đằng là một người mẫu mực, sáng ngời đạo đức cách mạng. Đặc biệt, tác phong của ông Đằng là một người vui vẻ, hay trêu đùa đồng chí. Theo ông Trân: “Cán bộ lãnh đạo ngày nay phải quyết đoán, phải học lớp cán bộ cách mạng đi trước như ông Đằng. Có làm được như vậy, có dám táo bạo như vậy mới thành công và phải luôn khắc ghi: thất bại là mẹ thành công. Táo bạo nên luôn nghĩ rằng người ta làm được thì mình sẽ làm được và đất nước sẽ thăng hoa, đâu phải tìm tòi ở đâu cho mất công”.

“80 năm tuổi đời với hơn 60 năm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đồng chí Trần Bạch Đằng đã thể hiện trọn vẹn là một người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn kiên định, lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng. Với tư duy và khả năng phân tích sắc bén trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực cho công tác lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng bộ TP và trong một phạm vi nhất định đến công tác lý luận của Đảng”, trích phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

Ôn lại những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ về một con người tuy đã đi xa nhưng mọi người luôn cảm thấy như ông vẫn đang ngồi kế bên mình, nguyên UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội – TS. Phạm Quang Nghị kể: “Năm 1997, khi tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Lúc này ở một số địa phương, tình trạng nhân dân khiếu kiện đông người diễn ra khá gay gắt. Dù vậy tôi vẫn đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam về tỉnh làm bộ phim Chuyện làng Nhô dài 4 tập. Khi nhà đài chiếu đến tập thứ 2 thì rất nhiều “ý kiến” đề nghị không chiếu tiếp vì “nhạy cảm”. Nhưng tôi vẫn quyết định bảo lưu quan điểm và cuối cùng bộ phim cũng được chiếu hết. Được tai nghe, mắt thấy những câu chuyện có thật của “Làng Nhô”, ông Đằng tỏ ra vô cùng phấn chấn, ông liền bảo tôi “Tao phải viết một bài về cái làng Nhô này!”. Dĩ nhiên, tôi còn vui hơn vì được ông chia sẻ – một sự chia sẻ hết sức quý báu và đúng lúc. Ông lại là một nhà báo lớn, rất có uy tín. Nếu có một bài báo ký tên Trần Bạch Đằng viết về những thay đổi của “làng Nhô” thì còn gì bằng”.

Cái chất hào sảng của người Nam bộ

PGS.TS Võ Phúc Toàn (ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Sinh thời, ông Trần Bạch Đằng là một nhà cách mạng lão thành, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu uyên bác. Bút lực uyên thâm, kiến văn rộng lớn cộng thêm cái chất hào sảng của người Nam bộ đã làm nên tên tuổi, một cái chất “Nam bộ” rất riêng của Trần Bạch Đằng. Trong các tác phẩm trước của mình, ông Đằng đã viết rất nhiều bài về “thái độ trước cuộc sống, trước cuộc chiến đấu của con người Gia Định, con người miền Nam, ở trong thời điểm chiến tranh hay thời bình”, được kết tập lại trong một chính luận mang tên “Kẻ sĩ Gia Định”. Trần Bạch Đằng đã rất tài tình, chân phương khi viết về “Kẻ sĩ Gia Định”. Họ có thể là những tên tuổi đã gắn bó với miền Nam nhưng cũng có thể là một cô hàng nước, ông bán nước mía, bà má chiến sĩ dung dị, hào hiệp, mang đậm tình nghĩa Nam bộ. Là hậu duệ của một gia đình, có truyền thống Nho học, ông Đằng hiểu rất rõ về chữ “sĩ” của người xưa. Nhưng với tinh thần của một người Mác-xít khi bàn về thời nay, Trần Bạch Đằng đã mở rộng khái niệm “kẻ sĩ” của Nho học cho phù hợp với thời cuộc”.

Đồng quan điểm về “kẻ sĩ” trong con người Trần Bạch Đằng, TS. Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị khu vực II) thốt lên: “Trần Bạch Đằng, rốt cuộc là “nhà” gì? Ngay khi còn sống, ông cũng đã không muốn người ta “quàng” vào cổ ông những danh xưng này nọ, bởi đơn giản ông là Trần Bạch Đằng. Cho đến trước khi qua đời, Trần Bạch Đằng đã di chúc lại cho người nhà rằng, dòng chữ trong nhà tang lễ hôm đưa tang ông sẽ không cần phải dùng quá nhiều chức danh mà chỉ giản dị đề “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Bạch Đằng”. Thế nhưng, với lớp hậu sinh như chúng tôi, ông là “nhà” của nhiều “nhà”…”.

“Cái tên Trần Bạch Đằng như một sự bảo tín cho những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Câu chuyện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đích thân đến tận nhà ông Trần Bạch Đằng, trèo lên thang gác, kiên trì thuyết phục ông tham gia Hội đồng biên soạn bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến đã trở thành một giai thoại trong giới nghiên cứu. Lúc đầu ông từ chối vì bận nhiều công trình khác nhưng cố Thủ tướng Kiệt quả quyết “Nếu cậu không nhận làm thì mình cũng bỏ luôn”. Cái tình đồng chí và sự chân thành của Chủ tịch Hội đồng biên soạn với vai trò là Chủ biên của cố Thủ tướng Kiệt đã làm lay động và thuyết phục được ông Đằng tham gia tích cực”, PGS.TS Toàn kể.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)