Theo kết quả một nghiên cứu do Đại học Michigan tiến hành, người nào thụt rửa âm đạo nhiều hơn hai lần trong tháng, tỷ lệ các hợp chất có hại sẽ cao hơn 81% so với người không thụt rửa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Integrisok)
Theo cảnh báo từ Đại học Michigan (Mỹ), đăng trên trang web của trường mới đây, phụ nữ hay sử dụng các sản phẩm vệ sinh sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm các hóa chất độc hại.
Trong giai đoạn từ 2001-2004, Đại học Michigan đã tiến hành một nghiên cứu với 2.432 phụ nữ độ tuổi từ 20-49, lấy thông tin về các sản phẩm vệ sinh phụ nữ họ dùng, gồm băng vệ sinh dạng ống đặt âm đạo, dạng miếng, cốc vệ sinh, các loại chất xịt, bột và giấy ướt vệ sinh.
Sau đó, các nhà nghiên cứu xét nghiệm máu của các phụ nữ này để tìm kiếm 8 chất có hại, qua đó phát hiện có sự liên quan giữa tỷ lệ hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) trong máu với tần suất thụt rửa âm đạo.
Cụ thể, nếu người nào thụt rửa âm đạo nhiều hơn hai lần trong tháng, tỷ lệ các hợp chất có hại sẽ cao hơn 81% so với người không thụt rửa, còn chỉ cần thụt rửa một lần trong tháng thì tỷ lệ các hóa chất đã tăng 18%.
Tuy đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu được đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ online, song tác giả của nghiên cứu cũng khuyến cáo phụ nữ không nên sử dụng các sản phẩm vệ sinh công nghiệp.
Tác giả chỉ ra rằng phụ nữ thường quan tâm đến độ cân bằng vi khuẩn hay độ pH của cơ quan sinh dục song lại quên mất các hóa chất độc hại.
Các nhà khoa học cũng tiếp tục tiến hành các nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự liên quan giữa sản phẩm vệ sinh và tỷ lệ VOC trong nước tiểu./.
Bình luận (0)