TP.HCM và Long An phối hợp kiểm soát, xây dựng nguồn cung cấp thịt heo sạch cho TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải, hàng đầu) và Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần ký kết tại hội nghị sáng 16-7 – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ngày 16-7, TP.HCM và tỉnh Long An tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa hai địa phương.
Long An được đánh giá là một trong những địa phương cung cấp hàng hóa chủ lực cho TP.HCM, nhất là thịt gia súc, gia cầm.
Xây dựng khu giết mổ tập trung
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đánh giá xuất phát từ lợi thế vị trí địa lý gần TP.HCM, hàng hóa từ Long An đã có mặt nhiều tại các siêu thị ở TP.
Ngược lại, hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp TP có mặt tại Long An, thậm chí sắp tới sẽ xuống tận các xã, thị trấn.
Riêng về nguồn thịt heo, ông Hòa cho biết hiện thịt heo về chợ đầu mối Bình Điền phần lớn là từ Long An. Do đó, TP rất mong muốn Long An cùng phối hợp chặt chẽ để kiểm soát chất lượng nguồn hàng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Báo cáo với lãnh đạo hai địa phương, đại diện Công ty Vissan cho biết cuối tháng 8-2016 khởi công xây dựng khu giết mổ tập trung ở Long An. Khu này được quy hoạch rộng 22ha.
Trước mắt, đây sẽ là đầu mối tập trung nguồn gia súc, gia cầm về giết, mổ – đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiến tới xa hơn, khu này còn phát triển thêm khâu chế biến sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm giết mổ được. Làm được điều này, chất lượng nguồn thịt cho TP dễ dàng kiểm soát hơn, tạo cho người dân sự an tâm.
Công ty Vissan mong muốn được chính quyền tỉnh Long An, cụ thể là chi cục thuế và chi cục thú y tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để công ty sớm hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động.
Trước đề xuất của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Rạnh, bí thư Tỉnh ủy Long An, cho biết tỉnh rất quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính. Đồng thời cam kết Long An chủ động tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Phát triển nhiều trục giao thông
Tại buổi làm việc, giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết Long An là tỉnh có chung địa bàn giáp ranh với thành phố nhiều (năm huyện ở TP.HCM đều có đường kết nối với Long An). Hiện nhiều tuyến đường, trục kết nối tốt hai địa phương như cao tốc Trung Lương, QL1, tỉnh lộ 10, 10B…
Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện một số dự án kết nối giữa TP và Long An đang triển khai còn đang gặp khó khăn như quốc lộ 50, cầu Rạch Dơi… quy hoạch nhiều năm nhưng chưa đầu tư được do nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là thiếu vốn.
Phương án đặt ra là TP đầu tư toàn bộ cầu, đường, còn Long An phụ trách giải phóng mặt bằng.
“Qua làm việc cùng với Sở Kế hoạch và đầu tư TP và Sở GTVT tỉnh Long An, chúng tôi thống nhất để phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương cần phải có thêm những trục giao thông động lực mới chứ không thể chỉ dựa vào những trục đường hiện có” – ông Cường nói.
Theo đó, các đường mới sẽ xây dựng như trục tây nam đi qua Bình Chánh, Nhà Bè nối với huyện Cần Guộc, Long An. Về đường thủy sẽ duy tu luồng Soài Rạp.
Về chuyện phát triển giao thông, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói: “Giờ giao cho anh Cường 5 tỉ USD kêu làm công trình này công trình kia thì cần gì anh Cường nữa. Có tiền sẵn thì ai làm cũng được. Vấn đề là phải tìm cho ra nguồn lực”.
Ông Thăng đề nghị cả TP.HCM và Long An phải cùng ngồi lại để xác định rõ trong thời gian tới cần hợp tác cụ thể lĩnh vực nào.
“Năm năm tới, liên kết cứng, liên kết mềm giữa hai địa phương là gì, phải có sản phẩm chứ không thể nói chung chung được. Việc gì làm được thì làm ngay, nếu thiếu vốn thì tìm mọi cách để huy động. Việc gì làm được thì phải làm ngay. Việc lâu dài thì phải tìm mọi cách để làm. Nếu cái gì cũng đòi có tiền sẵn mới làm được thì còn nói làm gì. Phải suy nghĩ tìm ra nguồn lực”, ông Thăng nhấn mạnh.
Về lâu dài, ông Đinh La Thăng cho rằng cần có cơ chế điều phối liên kết vùng thật cụ thể, rõ ràng vai trò, trách nhiệm, không thể để như hiện nay. Cứ như hiện nay thì rất dễ dẫn đến tình huống “anh này nói anh kia không nghe” và cách hành xử dễ chạy theo lợi ích cục bộ của từng địa phương.
Đến cuối năm 2015, có 400 doanh nghiệp đầu tư thứ cấp từ TP.HCM đến đầu tư ở các khu công nghiệp tỉnh Long An, chiếm 62% số doanh nghiệp và 96% vốn đăng ký. Tỉnh Long An thỏa thuận hợp tác và tiêu thụ rau quả an toàn theo đề án “Chuỗi rau quả an toàn”, tham gia chuỗi sản xuất rau an toàn với TP.HCM. Hiện có 28 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủy sản Long an được TP.HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm |
MAI HƯƠNG/TTO
Bình luận (0)