Gặp anh đồng nghiệp cùng trường, tôi hỏi thăm hè này gia đình có đi đâu chơi không? (anh có hai cháu gái, một học lớp 8 và một học lớp 3). Anh đồng nghiệp lắc nhẹ đầu rồi cho biết đã… lên kế hoạch học hè cho hai cháu trong hai tháng! Tôi nói cứ cho các cháu nghỉ ngơi vui chơi, đến ngày tựu trường vô học bình thường, có gì mà phải học trong hè cho mệt cả người, mệt cả trí…
Nhưng anh không nghĩ như vậy! Anh cho biết… “toàn dân đưa trẻ đi học hè” mấy tuần nay rồi. Không học không được. Tôi nói rằng đầu năm học cứ vô học bình thường, chương trình đã “giảm tải” phần nào rồi mà. Nhưng anh chua chát lắc đầu: “Không như mình tưởng đâu anh. Này nhé: Khi vô học chính thức, giáo viên dạy bài mới trên tinh thần học sinh đã được học trước nên cứ lướt tới tới. Đố em nào mà theo kịp chương trình, hiểu bài nếu không tham gia “phong trào” học hè, học trước chương trình! Thành ra nếu con mình mà học không kịp, không hiểu bài bị điểm kém thì người ta “chê bai” con thầy giáo “sao học kém thế!”. Vì vậy, tôi đã bàn với bà xã (cũng là giáo viên) thôi thì “người ta sao mình vậy”, lên “lịch học hè” cho hai con. Hơn nữa, đồng lương nhà giáo, hai vợ chồng cũng ráng dữ lắm mới không thiếu trước hụt sau thì lấy tiền đâu để đi Vũng Tàu, Đà Lạt vui chơi. Hai vợ chồng nhất trí tiền để dành cho con học hè. Đóng tiền học thêm cho hai cháu cũng đã mệt lắm rồi!
Từ quan điểm học hè để không bị bỡ ngỡ, lạc hậu với bài vở khi vô học chính thức nên mọi người “đua nhau” đưa con đi học hè là điều dễ hiểu. Mỗi khi mùa hè đến “lòng man mác buồn” là vậy chăng?
Ngay cả con của giáo viên cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy. Có cầu thì ắt có cung nên các lớp dạy hè ở miền quê, phố thị luôn “rộng cửa” đón chào học sinh vào học. Lỗi này thuộc về các bậc cha mẹ, một phần thuộc về chương trình và một phần cũng thuộc về thầy cô – nếu nhất quyết không dạy hè thì có còn ai đi gửi con vô học?
Cái vòng luẩn quẩn học hè này biết bao giờ mới chấm dứt?
Lê Trường Sa
Bình luận (0)