Những ngày qua, nhiều người dân sinh sống dọc trên đường Hoàng Sa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM rất thích thú với mô hình đạp xe lọc nước đặt cạnh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Máy thể dục lọc nước đầu tiên ở TP.HCM tại bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (P.2, Q.Phú Nhuận) – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Chỉ với 4 xe đạp, hai bể lọc nước, số lượng nước được lọc không đáng kể nhưng qua đó góp phần cho người dân vừa nâng cao thể chất cũng như ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Đạp xe phát điện để bơm, xử lý nước
Dọc theo đường Hoàng Sa, P.2, Q.Phú Nhuận đã có nhiều thiết bị tập thể dục nhưng mô hình đạp xe lọc nước được lắp đặt tại đây mấy ngày qua tạo sự lạ lẫm, thích thú không chỉ cho những người tập thể dục mà cả người đi đường qua khu vực này. Mô hình được thiết kế là bốn chiếc xe đạp (một bánh) đặt song song với nhau, xen ở giữa là hai bể lọc nước.
Toàn bộ khung sườn xe đạp, bể nước được sơn màu trắng, bánh xe màu đen và một số thiết bị sơn màu đỏ trông khá nổi bật so với các thiết bị tập thể dục khác gần đó. Thiết bị này được đấu nối với hệ thống ống thu nước trực tiếp từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng như ống nước thải trở lại kênh.
Cơ chế vận hành của thiết bị là dùng sức đạp của người tập chuyển động vòng tròn kéo dinamo (lắp đặt gần tay cầm) phát điện. Điện phát ra được tích vào bộ phận ăcquy cung cấp điện cho hệ thống máy bơm hút nước từ kênh. Việc kích hoạt máy bơm bằng một công tắc nhỏ đặt ở tay cầm xe đạp.
Sau khi nước được hút lên từ kênh sẽ chảy vào bể chứa có chứa một lớp cát và các vật liệu có khả năng hấp thu một số chất gây ô nhiễm nguồn nước. Nước sau khi được lọc qua bể chứa sẽ được dẫn vào đường ống nhỏ xả trở lại dòng kênh.
Theo quan sát, sau khi kích hoạt hệ thống máy bơm nước được hút lên qua hệ thống ống nước 20-27mm (bằng ngón chân cái) có áp lực không mạnh. Nước sau khi qua bể chứa, lọc thì vài phút sau được thải lại kênh qua đường ống tương tự. Áp lực nước qua đường ống thải cũng không mạnh, nước chảy đều.
Giúp người dân nâng cao ý thức
Anh Trần Minh Hùng, một người dân hay tập thể dục qua đây, cho biết anh đã lên vận động thử, việc đạp xe cũng không nặng nề lắm, giống như những động tác đạp xe thông thường. Tuy nhiên, sự cuốn hút của xe đạp lọc nước này là khi đạp xe, bấm công tắc thì thấy nước chảy vào hồ “tạo một sự mới lạ, thích thú hơn” so với những thiết bị tập thể dục khác gần đó.
Nhìn vào dòng nước chảy ngược xuống kênh từ việc mình vận hành xe đạp, anh Hùng cho rằng với lưu lượng nước xả này không đáng kể nhưng ý nghĩa của mô hình này rất hay.
“Ai đã lên vận hành đổ mồ hôi rồi mới thấy việc cải tạo môi trường nước ô nhiễm mất công, mất sức đến nhường nào. Từ đó, tôi tin ý thức gìn giữ môi trường của mọi người sẽ được nâng lên” – anh Hùng chia sẻ. Tuy nhiên, anh Hùng góp ý thiết kế thiết bị cần sắc sảo hơn, có thiết bị bảo vệ an toàn khỏi bị mất cắp, rò rỉ điện hay một số chi tiết nhỏ của thiết bị có thể vô tình làm người đi bộ bị vấp phải khi tản bộ vào buổi tối.
Theo ông Trần Nguyên Hiền – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường), qua thông tin theo dõi về thiết bị lọc, cơ chế vận hành của xe đạp lọc nước thì thấy thiết bị trên chủ yếu lọc các tạp chất trong nước như chất rắn lơ lửng, cặn ô nhiễm, còn các chất hữu cơ như amoni, vi sinh… từ hệ thống nước thải xả xuống dòng kênh này khó có thể lọc hết được.
Một số chuyên gia cho rằng với hệ thống bơm công suất nhỏ được thiết kế của hệ thống xe đạp lọc nước, lượng nước lọc được cũng không đáng kể so với hàng triệu mét khối trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài gần 10km.
Tuy nhiên, bù lại là dự án nâng cao hình thức tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường chung trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn TP. Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Nguyên Hiền cho biết luôn trân trọng và khuyến khích các đơn vị, mạnh thường quân nhân rộng mô hình này.
Cần duy trì lâu dài và nâng cao hiệu quả Trước tiên tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai loại xe đạp lọc nước được lắp đặt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Về góc độ tăng cường sức khỏe, việc đạp xe giúp cải thiện sức khỏe của mọi đối tượng. Về khía cạnh bảo vệ môi trường, dù việc lọc nước còn hạn chế nhưng quan trọng giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân đôi khi không thể định lượng được bằng tiền bạc. Vì vậy tôi ủng hộ việc nhân rộng mô hình này tại nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn TP. Trong điều kiện ngân sách có hạn, Nhà nước nên tạo điều kiện thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, ví dụ cho đơn vị đầu tư thực hiện quảng cáo tên sản phẩm công ty của mình trên thiết bị này. Mặt khác, để việc này không dừng lại ở tính phong trào, tôi thấy cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khả năng xử lý nước. Bởi vì các thiết bị này lắp đặt chủ yếu nơi công cộng, nhiều người sử dụng, phơi mưa nắng, nếu thiết bị không chắc chắn, chất lượng sẽ mau hư hỏng, đó là chưa kể có thể bị kẻ gian tháo trộm các thiết bị. Mặt khác, trong bể lọc nước chủ yếu là cát nên chỉ lọc được một số chất rắn lơ lửng, cặn… mà chưa lọc được một số chất hữu cơ nên cần phải nghiên cứu thêm để tăng khả năng lọc nước và có thể tận dụng nguồn nước lọc dùng để tưới cây, rửa đường… PGS.TS Chế Đình Lý (Viện Môi trường và tài nguyên) |
Ý kiến người dân P.2, Q.Phú NHuận: Nên bố trí nhiều máy Bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc: Nhìn thì thấy sỏi cát ở bồn giữ lại chất dơ trong nước, chắc là lọc hiệu quả. Nước dưới kênh lên nhưng cũng không hôi hám gì, người ta cũng mới lắp thêm nắp bồn chứa. Người lớn, con nít ra đây chơi và tập thể dục đông lắm mà dụng cụ không đủ, giờ có thêm mấy cái xe đạp thì tốt, tập cho khỏe người. Ông Nguyễn Thanh Hoàng: Mấy người già hay ra đây đạp xe, như tôi đạp khoảng 30 phút là thấy khỏe. Mình phải nhường người ta chứ đông lắm, bà con ngồi chờ tới lượt. Sáng chiều đều có người tập, 9g tối cũng còn. Ông Nguyễn Phong Phú: Lúc đầu thấy nước ra từ máy lọc có thay đổi màu sắc, thấy cũng trong. Một công hai chuyện, vừa tập thể dục, vừa có nước trong sạch, có lợi cho mình, cho kênh luôn. Giờ máy không lọc nước nữa người ta cũng leo lên tập thể dục. Chắc máy mới lắp nên có trục trặc, người ta mang đi sửa rồi lắp lại. Số lượng người đạp nhiều quá phải bảo trì thôi. Muốn làm sạch kênh thì phải bố trí máy chỗ này chỗ nọ mới có hiệu quả, một chỗ cũng không ăn thua. Tường Hân |
QUANG KHẢI/TTO
Bình luận (0)