Là một giáo viên nhiều năm giảng dạy môn ngữ văn bậc THCS, tôi xin có vài góp ý về sách giáo khoa ngữ văn 7, 8 hiện nay.
Thứ nhất: Ở văn bản Nhật kí trong tù và thơ Hồ Chí Minh ở Pác Bó trong sách ngữ văn 8 tập II, câu văn ở dòng 2 trang 41, dấu phẩy dùng chưa hợp lí, làm cho mạch văn đang trôi chảy tự nhiên bị ngắt giữa chừng, gây ức chế cho bạn đọc: “Dù thế nào, thứ văn chương quên mình là văn chương, được viết bởi một bậc đại bút nhưng đã vượt lên trên mọi quyền lực của văn chương đó vẫn làm ta xúc động và mang đầy ý nghĩa”, nên chăng, đằng sau cụm từ “thứ văn chương quên mình là văn chương” không nên dùng dấu phẩy để ý văn liền mạch và đúng cú pháp hơn. Có thể viết lại như sau là: “Dù thế nào, thứ văn chương quên mình là văn chương được viết bởi một bậc đại bút nhưng đã vượt lên trên mọi quyền lực của văn chương đó vẫn làm ta xúc động và mang ý nghĩa”.
Thứ hai: Bài học Cách làm lập ý của bài văn biểu cảm trong sách ngữ văn 7 tập I vừa quá tải lại sử dụng dấu phẩy không đúng chỗ làm cho Tiểu mục trở nên tối nghĩa. Mục đích bài học này là bày cho các em học sinh các cách tìm ý cho việc làm bài văn biểu cảm nên bài học nêu ra 4 cách lập ý thường gặp theo Tiểu mục mà sách trình bày là: Liên hệ hiện tại với tương lai; Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại; Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước; Quan sát, suy ngẫm. Mỗi tình huống đều có các ngữ liệu là văn bản để từ đó giáo viên hướng dẫn học sinh theo phương pháp dạy đặc thù của phân môn tập làm văn là quy nạp thực hành, thế nhưng các văn bản làm ngữ liệu thì quá dài tổng cộng gần 4 trang sách. Chỉ riêng việc học sinh đọc các văn bản này thôi cũng hết 1/2 tiết dạy thì lấy đâu thời gian để các em trả lời câu hỏi nhằm tìm hiểu bài học và thực hiện các hoạt động học tập trên lớp. Nên ở bài này cần dạy trong 2 tiết mới đảm bảo hết nội dung và các em mới thật sự nắm được bốn cách lập ý cho bài văn biểu cảm. Riêng ở cách: Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước thì dùng dấu phẩy sau từ “tình huống” là không đúng. Bởi lẽ, theo bài học thì để lập ý thì học sinh cần biết cách tự mình tưởng tượng ra các tình huống để từ đó dẫn đến sự hứa hẹn, hoặc có cơ sở để mong ước nên sau từ “tình huống” mà dùng dấu phẩy là làm cho Tiểu mục không rõ ràng, chưa nói đến là tối nghĩa, cả giáo viên nếu không tìm hiểu kỹ thì cũng không hiểu chứ chưa nói đến học sinh mà là học sinh lớp 7. Vì vậy, cần bỏ dấu phẩy sau từ “tình huống” và có thể thêm từ “để” hoặc từ “nhằm” như sau: Tưởng tượng tình huống để hứa hẹn, mong ước; hoặc Tưởng tượng tình huống nhằm hứa hẹn, mong ước có thể các em mới rõ ý của Tiểu mục là muốn lập ý thì tự mình cần tạo ra tình huống nào đó và khi có tình huống mới hình thành ý về sự hứa hẹn hoặc về sự mong ước.
Có thể nói quá tải sẽ dẫn đến dạy học qua loa dẫn đến học sinh không hiểu bài, như thế biến việc dạy học như chuyện “cưỡi ngựa xem hoa”. Dùng dấu câu sai thì sẽ dẫn đến học sinh không biết cách dùng dấu câu, đưa đến hệ quả là diễn đạt tối nghĩa, nhất là việc dùng dấu phẩy, bởi lẽ diễn đạt câu, thì dấu phẩy được dùng nhiều nhất.
Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng)
Bình luận (0)