Có thể nói rằng, mái trường trước đây đối với tuổi học sinh là nơi chốn bình yên, là nơi lưu giữ lại ký ức tuổi học trò không thể nào quên với hình ảnh thân thương của thầy cô, bạn bè, bảng đen, phấn trắng, sân trường rộn rã tiếng cười, những gốc phượng già xù xì trầm mặc với thời gian… Còn bây giờ thì sao? Cũng những hình ảnh đó nhưng tâm tư của học sinh ngày nay đã khác xưa. Học sinh không còn có cái tâm trạng trong trẻo hồn nhiên khi bước vào cổng trường nữa rồi, bởi vì các em phải gồng mình lên mà học tập với áp lực của việc trường chuyên lớp chọn, của thi cử và cả áp lực vì sĩ diện của gia đình. Các em không còn tĩnh tâm để nhìn, để cảm nhận được cái tình thân của thầy cô, bè bạn, của những hình ảnh thân quen trong môi trường sư phạm. Học và học, vắt sức ra học để mà “nạp” kiến thức như “nạp” nhiên liệu để tham gia vào cuộc thi đường trường. Không biết các kiến thức “có khi trên trời dưới đất” có giúp gì cho tương lai của các em hay không chỉ biết rằng giờ thì các em đang “bội thực” với mớ kiến thức đó khiến cho nhiều em đâm ra sợ học.
Điều dễ thấy, mùa hè không còn là mùa thư giãn của các em nữa, dẫn đến việc một số em rất sợ mùa hè. Thậm chí các em chẳng còn lại trong đầu mình dù một chút thôi ký ức đẹp của mùa hè, để rồi một số em đã ngậm ngùi “Phượng ơi, phượng nói gì đó, lời của phượng chẳng có người nghe”. Còn ý nghĩa cao đẹp của ngày khai trường cũng chẳng đem lại cho các em cảm giác háo hức bâng khuâng. Háo hức sao được khi chưa khai giảng mà trước đấy mấy tuần các em đã bù đầu vào học tập rồi và ngày khai giảng các em lại đến trường làm cho xong “thủ tục”. Đến đây, chúng ta nhớ đến câu thơ của Tú Xương: “Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi…”.
Tóm lại, nếu ai đó đã từng một thời cắp sách đến trường vào những ngày xa xưa chắc cũng không khỏi chạnh lòng và thương cảm cho những học sinh ngày nay, bởi lẽ, các em tuy là học sinh nhưng ít có được những phút giây được sống an nhiên trong mái trường của mình.
Nguyễn Học
Bình luận (0)