Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Nóng” những vấn đề cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20-7, Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2015-2016 kết nối với 63 tỉnh/thành trong cả nước.

Theo Bộ GD-ĐT, một trong những trọng tâm của năm mới là nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ

Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non) cho biết vấn đề phát triển quy mô trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi trong năm học vừa qua đã có nhiều bước tiến mới. Cụ thể, quy mô trường lớp phát triển nhanh. Cả nước hiện có 14.637 trường mầm non (tăng 313 trường) và 180.202 nhóm lớp. Trong đó, công lập có 12.512 trường (tăng 100 trường), tỷ lệ 85,5%; ngoài công lập có 2.125 trường (tăng 213 trường), tỷ lệ 14,5%. Theo đó, các địa phương có số trường mầm non tăng nhiều là TP.HCM với 66 trường, Hà Nội 45 trường, Bình Dương 27 trường, Kiên Giang 21 trường… Đặc biệt, TP.HCM đã xây dựng trường mầm non ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động. Song song với việc phát triển quy mô trường lớp, tỷ lệ huy động trẻ tăng và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 26,2%; trẻ mẫu giáo đạt 89,2%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng được các địa phương chú trọng đầu tư. Tính đến nay cả nước có 5.079 trường chuẩn quốc gia, tăng 598 trường so với năm học trước…

8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nghĩa (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) khuyến khích các địa phương nỗ lực thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2016-2017, gồm: Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua; Phát triển mạng lưới trường lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ; Chú trọng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ; Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non. Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, các địa phương nên căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương để xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu trên địa bàn sao cho phù hợp, chứ không bắt buộc theo chỉ tiêu bình quân của cả nước.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, một số hạn chế cũng đã được lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương phản ánh, mỗi nơi mỗi vẻ. Tiêu biểu như ông Đào Đức Trình (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai) đề cập đến khó khăn mới của địa phương khi trong 1 phường tăng gần 2.000 trẻ đến độ tuổi vào mẫu giáo, nâng tổng số trẻ đến tuổi đi học lên 8.000. Thậm chí có những phường không có trường mầm non nào nên nguy cơ thiếu trường học là khó tránh khỏi. Hiện tỉnh có đến 900 nhóm trẻ gia đình. Do đó, địa phương đang rất cần xây dựng thêm trường hoặc chuyển nhóm trẻ thành trường học để đảm bảo chất lượng giảng dạy và an toàn cho trẻ hơn. Khác với Đồng Nai, tỉnh Cà Mau hiện đang thiếu 290 phòng học, chưa đủ chỗ cho học sinh học bán trú. Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khăn trong việc huy động trẻ đến lớp, bữa cơm bán trú chất lượng dinh dưỡng còn thấp, thiếu bếp ăn bán trú. Còn tỉnh Nghệ An thì trăn trở vì chưa có tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non và tình trạng tăng thêm 2.000 trẻ trong năm học 2016-2017 (tương đương với 700 lớp học), điều đó đồng nghĩa với tình trạng thiếu 1.400 giáo viên trong năm học mới. Ngoài ra, các địa phương còn nêu thêm nhiều kiến nghị như trường chuẩn quốc gia được tuyển giáo viên chuyên biệt (giáo viên âm nhạc, mỹ thuật…), nên cho tuyển biên chế y tế, kế toán, bảo vệ (vì trường có nhiều cơ sở thì 2 biên chế bảo vệ theo quy định là không đủ), mua bảo hiểm xã hội cho giáo viên trường ngoài công lập, tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt và tiếng dân tộc cho thầy trò vùng dân tộc thiểu số, chuyển đổi nhóm trẻ thành trường học…

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) đánh giá, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì tại nhiều địa phương vẫn còn tồn tại những khó khăn như thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất để đảm bảo nhu cầu trẻ đến trường ngày càng tăng; giáo viên còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng; điều kiện và chính sách của giáo viên ngoài công lập ở một số nơi còn thực hiện chưa tốt, vẫn còn một số văn bản, chính sách, quy định cần phải sửa đổi, bổ sung. Do đó các địa phương nên chủ động tham mưu, đề xuất để được chính quyền quan tâm hơn về giáo dục mầm non.

Bà Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ sớm hoàn thiện đề án phát triển giáo dục mầm non, quy định về chính sách, đề án tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, xin ý kiến các bộ/ ngành và trình Thủ tướng ban hành. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng cơ chế tự chủ và sắp tới sẽ ban hành, đặc biệt là những nơi có điều kiện phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… nên lưu tâm để có chủ trương mới, mô hình mới, có thể không chỉ áp dụng cho địa phương mình mà còn nhân rộng ra trên phạm vi toàn quốc…

Bài, ảnh: Vũ Phương

Bình luận (0)