Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy thêm, học thêm: Được gì? mất gì?: Lương thấp, các khoản đóng góp nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên trường tôi, tới tháng nhận lương, nhìn số tiền thực nhận, và các khoản đóng góp… chỉ biết lắc đầu.

Đa số giáo viên, nhất là những người dạy môn “phụ” đều sống dựa vào lương (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Chúng tôi công tác tại một huyện miền núi. Nơi đây, núi bọc xung quanh như chảo. Toàn thấy mì, mía, vài đám ruộng nhưng chế độ mà chúng tôi được hưởng là phụ cấp xã đồng bằng. Không có gì lạ cả, vẫn có xã đồng bằng của huyện miền núi.

Thu nhập của chúng tôi có gì khác ngoài lương. Muốn dạy thêm cũng không mấy em đi học, tìm công việc để thu nhập ngoài lương đâu có dễ. Mà thời gian đâu để làm thêm khi yêu cầu dạy – học ngày càng cao. Chắc có bạn sẽ cho rằng trên núi thì không phải chi tiêu gì nhiều. Nhầm to. Thử lên nơi chúng tôi đang công tác đi một buổi chợ, các bạn sẽ phải lắc đầu thè lưỡi. Mọi thứ được bán với giá cao vì lý do, vận chuyển xa xôi. Giáo viên chúng tôi phải mặc áo dài, đồ công sở lên lớp, muốn mua vải, may một cái áo dài, chị em phải chạy xuống phố. Những vật dụng khác cũng vậy. Mấy đồng lương thấm vào đâu?

Đồng lương nhỏ bé, trách nhiệm lớn lao. Chúng tôi phải ra sức học, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ mới mong đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay. Các đồng nghiệp trong trường đều than rằng: giá như lương đủ nuôi cái miệng thì chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến việc dạy.

Cuộc sống chỉ trông chờ vào lương. Nhận lương xong lại ngậm ngùi… Xin thưa, ngậm ngùi vì lẽ, lương ít, lại bị trừ rất nhiều khoản. Tất cả các khoản đóng góp, khi đưa về, giáo viên không thể không đóng dù gọi là tình nguyện. Mà đã là tình nguyện, tại sao không đóng theo kiểu hảo tâm, tùy mỗi người mà nhất định phải là một ngày, nửa ngày lương? Lương giáo viên tính 26 ngày, và hầu như liên tục đóng một ngày lương, nửa ngày lương. Nếu cần tiền làm việc gì cũng không thể nợ để qua tháng sau vì như thế sẽ bị trừ điểm, thi đua cuối năm không còn. Hỡi ôi! Nghịch lý thay, tất cả các khoản giáo viên được hưởng như: tăng lương cơ bản, chuyển ngạch, phụ cấp thâm niên, tăng bậc lương… hầu như chưa bao giờ chúng tôi được hưởng liền, cứ phải đợi dài cổ rồi truy lĩnh. Khi nhận thì trượt giá rồi. Nhưng chúng tôi không thể nợ các khoản đóng góp (?).

Năm nào cũng như năm nào, ngoài các khoản bắt buộc như: Bảo hiểm các loại, công đoàn phí thì chúng tôi đều đặn đóng các khoản (trên danh nghĩa thì gọi là tình nguyện nhưng phải bắt buộc đóng): Quỹ tang chế, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ mái ấm gia đình, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chữ thập đỏ, Quỹ tương trợ công đoàn cơ sở, Quỹ tương trợ công đoàn ngành, huyện, ủng hộ bão lụt, tương trợ trẻ em, Quỹ tương trợ ngành tỉnh, Quỹ vì phụ nữ nghèo, Quỹ ngân hàng bò, Quỹ tiếp sức cho em đến trường… Chỉ riêng Quỹ tương trợ thì có đến 3 chỗ để đóng: cơ sở, ngành, tỉnh… Đã vậy, các khoản hỗ trợ đã đóng ở trường rồi, về nhà, địa phương lại đến thu tiếp. Từ chối thì được trả lời, chỉ tiêu trên đưa xuống, phải thu.

Nói ra thành chỗ nhỏ mọn, không nhân ái, không có tinh thần “Lá lành đùm lá rách” nhưng một người đau chân thì làm sao quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến người khác. Phải thắt lưng buộc bụng để nộp các khoản gọi là “tình nguyện”. Trong khi đa số giáo viên (ít ra là trường tôi) xuất thân là con nông dân, ra đi dạy, phần lo cho gia đình, phần lo cho bản thân. Lương ít ỏi thì tháng nào ăn hết tháng đó, lấy đâu tiền để đám cưới, mua đất, cất nhà, sắm thiết bị phục vụ dạy học…

Tóm lại, muốn mua gì, sắm gì thì đến ngân hàng. Không trả nổi theo hợp đồng, chúng tôi oằn ra trả lãi quá hạn. Ngày ngày đến lớp, trang phục chỉnh tề, giảng dạy nhiệt tình, hoạt động ngoại khóa tích cực, có đủ các loại hồ sơ sổ sách… và đóng các khoản hỗ trợ. Có ai biết, giáo viên chúng tôi trả lãi ngân hàng hằng tháng?

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và
THPT Võ Văn Kiệt,
Sông Hinh, Phú Yên)

Thầy Nguyễn Văn Hiệp (Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, TP.HCM):

DẠY THÊM, HỌC THÊM PHẢI VÌ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG

Sau khi lãnh đạo TP.HCM có chủ trương không được dạy thêm, học thêm, hầu hết các trường đã thực hiện nghiêm túc. Theo tôi, dạy thêm, học thêm thật sự tích cực khi thầy cô giảng dạy vì sự tiến bộ của học sinh, lo lắng đến chất lượng giáo dục của nhà trường và nhìn thấy trách nhiệm của chính mình. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có đôi nơi, vài người chưa chấp hành tốt chuyện dạy thêm, học thêm trong trường. Có giáo viên dạy thêm không phải do nhu cầu của học sinh lớp mình mà thấy lớp khác tổ chức thì cũng làm theo. Vài người lại vì mục đích kinh tế nên chất lượng dạy thêm cũng có vấn đề. Một số giáo viên tìm cách lôi kéo học sinh về học lớp mình càng đông càng tốt nên đã chiều chuộng các em như tự do đi trễ về sớm, vừa ngồi học vừa nói chuyện và cả ăn uống rất vô tư. Chỉ đến khi ban giám hiệu nhà trường nhắc nhở mới chịu chấn chỉnh kỷ cương. Rõ ràng sự tự giác trong dạy thêm, học thêm chưa cao. Cũng vì lý do kinh tế nên có giáo viên dạy học sinh càng đông càng tốt, số lượng học sinh trong lớp dạy thêm báo cáo không chính xác, thường thấp hơn thực tế và trì hoãn cả chuyện đóng góp cho nhà trường… Hệ lụy của dạy thêm, học thêm tự phát, thiếu tổ chức là như vậy. Tôi mong rằng việc dạy thêm, học thêm trước hết phải có mục đích rõ ràng mà cụ thể là vì học sinh, vì chất lượng giáo dục của nhà trường, đừng quá đặt nặng thu nhập kinh tế. Điều này đòi hỏi ý thức và cái tâm của mỗi thầy cô cùng đồng sức đồng lòng.

Ngọc Quang (ghi) 

 

Bình luận (0)