Nhiều thí sinh chưa hài lòng với kết quả thi THPT quốc gia 2016, muốn phúc khảo nhưng lo ảnh hưởng đến việc xét tuyển ĐH, CĐ. Tại chương trình tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2016 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước từ ngày 22 đến 24-7, các em đã đề cập nhiều đến vấn đề này.
Ban tư vấn chương trình giải đáp các thắc mắc của thí sinh về xét tuyển nguyện vọng 1 |
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh – truyền hình các tỉnh trên và được đông đảo phụ huynh, học sinh nhiều tỉnh đón theo dõi.
Không cần chờ kết quả phúc khảo mới xét tuyển
Thí sinh Thanh Nam ở tỉnh Vĩnh Long gọi về chương trình đặt câu hỏi: “Em đăng ký vào khối ngành công an, được yêu cầu phải nộp phiếu điểm xét tuyển theo thời hạn quy định đối với khối ngành này. Tuy nhiên em lại đang muốn làm thủ tục phúc khảo điểm thi nên băn khoăn không biết có phải chờ kết quả phúc khảo rồi nộp phiếu điểm hay không”. Nhiều thí sinh khác cũng lo lắng kết quả phúc khảo chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ của các em vào thời điểm quan trọng này.
Trong thời gian chờ phúc khảo, thí sinh vẫn cứ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường ĐH, CĐ như bình thường. Nếu có thay đổi về điểm sau phúc khảo, các em có thể bổ sung sau. |
Giải tỏa lo lắng trên, ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho rằng trong xét tuyển, thí sinh cần nộp phiếu điểm theo đúng thời hạn quy định của ngành công an. Bên cạnh nộp phiếu điểm xét tuyển như vậy, các em có thể đồng thời làm các thủ tục xin phúc khảo. Sau khi có kết quả phúc khảo, thí sinh bổ sung thêm. Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, chỉ những thí sinh có thay đổi điểm sau phúc khảo mới được in lại phiếu điểm, còn trường hợp điểm giữ nguyên thì vẫn xét bằng phiếu điểm ban đầu.
Đối với các thí sinh bình thường khác, ông Cường thông tin, các em nộp hồ sơ ở đâu thì đến nơi đó làm thủ tục xin phúc khảo. Các địa điểm này sẽ cung cấp phiếu đăng ký phúc khảo cho các em. Ngày 31-7 là hạn chót nhận đơn phúc khảo. Ngày 8-8, kết quả phúc khảo sẽ được công bố. Tuy nhiên, việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sẽ bắt đầu từ 1-8 và kết thúc 12 ngày sau đó. Vì vậy, trong thời gian chờ phúc khảo, thí sinh vẫn cứ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường ĐH, CĐ như bình thường. Nếu có thay đổi về điểm sau phúc khảo, các em có thể bổ sung sau. “Thí sinh không nhất thiết chờ có kết quả phúc khảo rồi mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ”, ông Cường nói.
Hiện nay, nhiều trường đang bắt đầu nhận đơn phúc khảo của thí sinh.
Chưa biết tiếng Nhật vẫn được học… ngành tiếng Nhật
Việc chọn ngành nghề tương ứng với mức điểm đang nắm trong tay sao cho mở rộng cơ hội trúng tuyển cũng được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm. Thực tế, nhiều em đang cầm phiếu điểm trên tay mà bối rối chưa biết đăng ký ngành gì. Một phụ huynh tại Đồng Nai đặt câu hỏi: “Con tôi thi tổ hợp môn toán – lý – hóa đạt 21 điểm, nên chọn ngành nào để có cơ hội trúng tuyển cao và phù hợp với nam giới?”. ThS. Phạm Quang Dũng (Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) chia sẻ, các trường ĐH, CĐ quy định mức điểm chuẩn từng ngành khác nhau. Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, 16 ngành cũng có các mức điểm chuẩn riêng. Phụ huynh có thể tham khảo điểm chuẩn của các trường năm trước để so sánh lựa chọn. Theo tôi, ở mức điểm 21 khối A, thí sinh có nhiều cơ hội học các ngành cơ khí, khoa học hàng hải, điện – điện tử, kỹ thuật tàu thủy… của trường.
Bà Lê Ý Cơ (Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) chia sẻ, chương trình tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2016 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức mong muốn cung cấp được nhiều thông tin chất lượng, nhanh chóng và kịp thời đáp ứng nhu cầu của thí sinh trong thời điểm quan trọng này. Theo bà Cơ, Bộ GD-ĐT vừa có những điều chỉnh đối với thời gian xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, các thí sinh và phụ huynh cần chú ý cập nhật, nắm kỹ những mốc thời gian quan trọng để tránh sai sót không đáng có trong quá trình xét tuyển. |
Liên quan đến câu hỏi của một thí sinh về việc chưa biết tiếng Nhật có thể tham gia học ngành tiếng Nhật được không, ThS. Lê Bình Trung (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT) trả lời, sinh viên ngành tiếng Nhật tại trường có thể xuất phát từ không biết tiếng Nhật, các em sẽ được đào tạo bổ sung ngôn ngữ này. Tuy nhiên, người học sẽ lợi thế hơn nếu có nền tảng tiếng Nhật trước đó. Cũng theo ông Trung, trong quá trình học, đến học kỳ 5, toàn bộ sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật sẽ được tổ chức học tại trường đối tác với Trường ĐH FPT tại Nhật. Kết quả học này sẽ được công nhận tại Trường ĐH FPT. Đặc biệt, trong quá trình học, sinh viên còn được trường tạo điều kiện đi làm việc thực tế tại doanh nghiệp từ 4-8 tháng theo lĩnh vực chuyên ngành các em theo học. Sau tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trường tạo điều kiện tiếp cận doanh nghiệp Nhật Bản.
Tương tự, ở ngành ngôn ngữ Anh, TS. Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai) cũng cho biết, trường đào tạo theo hướng tiếp cận doanh nghiệp. Chính việc trường kết nối nhiều doanh nghiệp và chú trọng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên mà thời gian qua, nhiều người học đang tiếp tục du học ở nước ngoài nhờ lợi thế tiếng Anh. Năm nay, ngành ngôn ngữ Anh và các ngành khác tại trường đều xét bằng 2 phương thức: học bạ và kết quả thi THPT quốc gia.
Chiều nay (25-7), chương trình tiếp tục đến với thí sinh Đắk Lắk và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh này.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)