Ngành giáo dục thường nêu lên câu khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Người giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh. Từ hình thức bên ngoài đến vẻ đẹp bên trong tâm hồn: kiến thức, tình thương, cách cư xử… hun đúc lại thành nếp nghĩ, hành động, cách sống sau này của các em. Vì thế thầy cô giáo cần phải làm gương từ những điều hết sức nhỏ nhặt.
Theo tác giả, bản thân giáo viên phải không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong sư phạm. Trong ảnh: Cô Trần Thị Quỳnh Anh (giáo viên Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) hướng dẫn học sinh lớp 10A3 trong tiết học môn văn năm học 2018-2019. Ảnh: Y.Hoa
1. Ngày xưa, khi học trường sư phạm, chúng tôi luôn được thầy cô giáo nhắc nhở và uốn nắn cho từng chi tiết nhỏ để xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng học sinh. Tôi còn nhớ, một hôm, khi ra chơi, thấy các giáo sinh vừa đi vừa ăn uống một cách vô tư, cô giáo mời lại, cho lời khuyên về phép lịch sự. Cô nói, hình ảnh ấy là không đẹp mắt. Kể từ đó, mỗi khi ăn uống, chúng tôi – những thầy cô giáo tương lai – tìm chỗ ngồi ăn đàng hoàng, ăn xong mới di chuyển. Lần khác, khi dự tiết dạy thử, cô góp ý, là giáo viên phải nói năng chỉn chu, không được nói trống không. Khi học sinh nói, phải chú ý lắng nghe, nghe xong, phải tiếp nhận lịch sự, có thái độ động viên, khuyến khích các em. Khi hứa với học sinh điều gì, phải làm đến nơi đến chốn. Khi cười cũng nên tiết chế, tránh cười hô hố, lớn tiếng. Góp ý về cách viết bảng, cô yêu cầu không được viết tắt, viết sai chính tả để thể hiện việc yêu quý tiếng Việt. Phải chú ý nắn nót chữ viết cho rõ ràng, đẹp mắt, nhất là khi ghi những lời phê trên bài làm của học sinh hay trong sổ liên lạc. Thấy giáo sinh đứng lớp mặc áo hơi nhăn, cô căn dặn, trước học sinh phải giữ hình ảnh đẹp. Khi lên lớp áo quần phải ủi phẳng phiu, kỹ lưỡng, nếp gấp phải bén, không nên có nhiều li. Nữ giáo viên nên mặc áo có cổ, tay dài. Nam giáo viên phải mang giày tây, có mang vớ. Khi đi dạy, nên mang theo kim chỉ, để khi bản thân hay đồng nghiệp bị sứt nút, sứt chỉ thì có mà xử lý ngay. Cô còn dặn nữ giáo viên phải đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, khi ngồi phải vén tà áo dài lên, sao cho áo che kín phần ở bên hông. Được cô nhắc nhở, chúng tôi đã cùng nhau thực tập thật vui cử chỉ, dáng đi, tướng đứng, cách ngồi… để có được hình ảnh đẹp của người thầy. Cô nói, nghề giáo là “khuôn vàng thước ngọc”, nếu đã chọn nghề sư phạm thì phải luôn mẫu mực, không được dễ dãi với bản thân, vì hình ảnh thầy cô sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn của học sinh nhiều thế hệ. Lời cô dạy đã theo chúng tôi trên suốt chặng đường sư phạm.
2. Thầy cô giáo ngày nay thân thiện, cởi mở và gần gũi học sinh, khoảng cách giữa thầy – trò được rút ngắn hơn xưa. Ta có thể thấy giáo viên cùng tham gia hoạt động với học sinh, thực hiện các dự án, nghiên cứu khoa học, khi đi trại, cùng nhảy múa, ca hát, chơi trò chơi… Thậm chí thầy trò có thể giao tiếp hàng ngày qua zalo, viber, facebook để trao đổi thông tin. Nhưng nói thế không có nghĩa là “giáo viên thời hiện đại” được phép dễ dãi với bản thân trong việc xây dựng hình ảnh, càng không có nghĩa là xóa nhòa ranh giới giữa thầy và trò.
Ngày nay, xây dựng hình ảnh đẹp, mô phạm là điều cần tiếp tục phát huy, chẳng những nơi trường lớp mà còn bên ngoài xã hội nữa. Lời nói cần luôn thận trọng, thái độ mực thước, cử chỉ không nên thoải mái, tự nhiên quá trớn, ăn mặc luôn lịch sự, kín đáo. Giáo viên nên chú ý khoảng cách khi tiếp xúc với học sinh khác phái, không nên nắm tay, vỗ vai hay có cử chỉ thân mật, dù là để động viên khen ngợi. Đây đó, ta vẫn thấy một số cô giáo trang phục có phần… mát mẻ, mặc đầm quá ngắn hay bó sát, cổ khoét sâu và những kiểu dáng không phù hợp. Thậm chí có thầy giáo mang dép kẹp khi đứng lớp. Nhức nhối hơn nữa khi thấy các thầy giáo say xỉn ngồi trong quán xá, cười nói linh tinh; hay cô giáo nọ hung hăng, lớn tiếng cãi nhau ra rả với hàng xóm. Một hôm, khi đến trường rước con, tôi thấy các cô giáo người cầm ly trà sữa, người cầm miếng xoài, vừa đi vừa ăn uống ngồm ngoàm. Các cô còn thản nhiên gọi nhau “mày tao” ơi ới trước học sinh. Tôi chợt nhớ đến lời dạy của cô giáo ngày xưa mà lòng cảm thấy buồn!
Buồn đau hơn nữa, khi đọc tin hàng ngày, thấy có thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo, làm những điều xấu hổ. Nào là thầy cô chửi mắng học sinh bằng những lời lẽ nặng nề, tổn thương; nào là đánh học sinh gây thương tích; dùng thủ đoạn o ép học sinh học thêm… Tuy chỉ là số ít, nhưng “một con sâu đã làm rầu nồi canh” huống hồ gì nay đã có nhiều con sâu.
3. Để nhà giáo thực sự là “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, ngành GD-ĐT đã ban hành “Quy định về đạo đức nhà giáo”; “Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục”. Ban giám hiệu các trường nên yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc cùng những biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Một khi giáo viên khi biết có sự quan sát, kiểm tra từ cấp trên thì những tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, những lời nói không chỉn chu sẽ giảm bớt, đi đến chấm dứt. Trường sư phạm cần xây dựng lại phương án tuyển chọn đầu vào để thu hút những người giỏi, đến với nghề sư phạm bằng sự yêu thích thật sự chứ không phải là… “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”! Được như thế, khi trở thành giáo viên, họ mới có quyết tâm rèn luyện và phấn đấu cho nghề. Trường sư phạm nên chú ý giáo dục kỹ hơn, sâu hơn về đạo đức, nhân cách người thầy. Cần có nhiều bài tập tình huống, tạo nhiều điều kiện để giáo sinh thực tập, ứng xử sư phạm, rèn phong cách nhà giáo. Nhà trường cần luôn lắng nghe phản ánh từ phía học sinh và phụ huynh qua nhiều kênh thông tin để phát hiện kịp thời những sai phạm và uốn nắn giáo viên.
Nhưng quyết định hơn hết, chính bản thân giáo viên phải không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong sư phạm. Một khi chấp nhận chọn nghề giáo, khoác lên mình danh hiệu cao quý, thiêng liêng, khi đứng trước những tâm hồn ngây thơ trong sáng, hãy luôn nghiêm túc tự kiểm tra, chấn chỉnh mình để thực sự là “khuôn vàng thước ngọc”, là “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.
Trần Thị Minh Thi
Bình luận (0)