Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Năm học mới 2016-2017: Bớt áp lực về sĩ số học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 26-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về kết quả năm học 2015-2016 và công tác chuẩn bị năm học 2016-2017. Theo đó, năm học mới này số lượng học sinh (HS) tăng không nhiều như năm học trước, vì vậy TP sẽ giảm áp lực sĩ số HS, trường lớp…

HS Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Bình Thạnh vui mừng trong Lễ khai giảng chào đón năm học 2015-2016

HS tăng cơ học chỉ bằng 2/3 năm học trước

Theo báo cáo, năm học 2016-2017 TP.HCM sẽ tăng 59.158 HS, trong đó khối công lập tăng 46.496 HS, còn lại là khối ngoài công lập. Q.Bình Tân có số lượng HS tăng cao nhất với 5.786 HS (năm học trước tăng hơn 11.000 HS), kế đến là huyện Bình Chánh tăng 5.381 HS (năm học trước tăng hơn 10.000 HS), Q.12 tăng 4.258 HS, huyện Hóc Môn tăng 3.607 HS, huyện Củ Chi tăng 3.214 HS… So với mức tăng của năm học 2015-2016 thì khoảng 25.000 HS, do đó TP giảm nhiều áp lực về sĩ số, giáo viên.

Trong khi số HS tăng cơ học giảm khoảng 2/3 so với mức tăng của năm học trước thì năm học 2016-2017 này số trường lớp mới được đưa vào sử dụng lại nhiều hơn. Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Năm học mới TP sẽ đưa vào sử dụng 1.919 phòng học. Ngoài ra, TP đã chi khoảng 82 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, TP mới chỉ đảm bảo chỗ học cho HS, việc đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

Cũng theo ông Nam, TP đã tính toán và đề nghị các quận, huyện rà soát lại quy hoạch trường lớp để phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân. Ngoài ra, TP đang thực hiện xây dựng trường mầm non với 86 dự án/ trên 1.000 phòng học. Đến thời điểm này đã khởi công được 71 dự án, số còn lại do vướng giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai được…

Ngoài ra, để phụ huynh không bị áp lực khi tham gia mua sắm đầu năm học mới, TP tiếp tục chương trình bình ổn với mức giảm giá từ 10-15%. Năm nay sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình với nhiều mặt hàng, trong đó có cả thực phẩm cho các trường tổ chức bán trú.

Bà Thu nhấn mạnh, ngành GD-ĐT TP đã thực hiện tốt việc chuẩn bị cho năm học mới cũng như dự đoán tình hình tăng số lượng HS trên địa bàn để xây dựng trường lớp đến năm 2020. Tuy nhiên, bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT cần quan tâm hơn nữa đến giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa như huyện Cần Giờ, Củ Chi… Đồng thời quan tâm đến những HS có cha mẹ nhập cư.

Về mạng lưới trường lớp, bà Thu chỉ đạo: “Năm nay, dù số lượng HS tăng ít hơn năm học trước nhưng không phải số lượng mỗi năm mỗi giảm mà có thể năm sau sẽ tăng cao hơn. TP đã tính toán đến tăng dân số để có kế hoạch cho đến năm 2020 nhưng từ năm 2021 trở đi thì phải như thế nào nếu không có quỹ đất quy hoạch. Đây là bài toán đặt ra cho ngành GD-ĐT để tham mưu cho UBND TP”.

Tránh tình trạng có lớp mà không có giáo viên

Về công tác tuyển giáo viên, năm học 2016-2017 bậc mầm non tuyển 1.557 giáo viên, bậc TH tuyển 1.594 giáo viên, bậc THCS tuyển hơn 1.200 giáo viên, bậc THPT và GDTX tuyển 402 giáo viên, bậc GDCN tuyển 93 giáo viên và 26 nhân viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này 9 quận, huyện chưa thông báo kế hoạch tuyển như Q.6, Q.3, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đề nghị ngành GD-ĐT đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng giáo viên cho năm học mới, không để tình trạng có trường, có lớp mà thiếu giáo viên.

Mở rộng giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân

Năm học vừa qua, TP đã thực hiện thí điểm giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân. Theo đó, Q.Bình Tân và Thủ Đức đã thực hiện thí điểm ở một số trường để đảm bảo cho công nhân tăng ca vào ngày thứ bảy không còn lo lắng việc gửi con. Đây là mô hình hay và ý nghĩa, bà Thu đề nghị Sở GD-ĐT mở rộng thêm ở các quận, huyện có dân số cơ học tăng mạnh, có nhiều công nhân.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “TP sẽ tiếp tục mở rộng đề án giữ trẻ 6 đến 18 tháng tuổi và nhân rộng việc giữ trẻ ngoài giờ để phục vụ cho con em công nhân”.

Việc kéo dài thêm giờ lao động, tất nhiên cần tính thêm chế độ phụ cấp cho giáo viên và bảo mẫu. Tuy nhiên, thu nhập của công nhân không cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Vậy khoản phụ thêm được tính như thế nào? Ông Sơn chia sẻ: “Ngoài khoản phụ cấp của địa phương, các khu công nghiệp và khu chế xuất cũng đã ký kết với Sở GD-ĐT và quận, huyện để chi trả phần phụ thêm”…

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)