Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Hàng ngàn trẻ sẽ có trường học ở KCN-KCX

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục mầm non (MN) gần đây, bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết TP.HCM hiện có 15 khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) đang hoạt động, và tín hiệu đáng mừng là đã có 20 dự án đầu tư xây dựng trường MN, dự kiến đáp ứng nhu cầu học tập cho hàng ngàn con em công nhân. 

Theo bà Thu, TP.HCM hiện có khoảng 270.075 lao động làm việc trong 1.280 doanh nghiệp thuộc 15 KCN-KCX. Thực tế cho thấy với lực lượng lao động lớn như vậy, thì nhu cầu gửi con em độ tuổi MN đến trường trở thành nhu cầu cấp bách trong nhiều năm qua. Do đó, thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng trường MN tại các KCN-KCX, nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con em của người lao động.

Hiện nay đã có 5 trường MN trong KCN-KCX đi vào hoạt động tạo sự phấn khởi cho người lao động. Tại KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Trường MN Đồng Xanh được xây dựng trên diện tích 700m2, đáp ứng nhu cầu học cho 150 trẻ. Công trình xây dựng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, được cải tạo từ nhà lưu trú công nhân thành nhà trẻ và sử dụng vốn ngân sách giáo dục để mua sắm trang thiết bị cho trường. Còn tại KCN Tân Bình (Q.Tân Phú), Trường MN Trí Đức 1 xây dựng trên diện tích 2.000m2, đáp ứng nhu cầu học cho 387 trẻ. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp liên kết với Công ty Trí Đức thực hiện chức năng quản lý giáo dục. Tương tự, Trường MN Mặt Trời Đỏ trong KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân) được xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp và TP đầu tư trang thiết bị. Hiện trường đã tiếp nhận và chăm sóc cho 700 trẻ. Cũng tận dụng nguồn lực sẵn có, Trường MN Thanh Bình trong KCX Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức) được xây dựng trên nền nhà lưu trú công nhân với diện tích 700m2, sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp và tự khai thác, đáp ứng nhu cầu học cho khoảng 200 trẻ…

Bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết trong 20 dự án đầu tư xây dựng trường MN, đã có 10 dự án đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi cho 3.552 trẻ; 6 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến đáp ứng nhu cầu học cho 2.620 trẻ; 4 dự án đã dành quỹ đất chuẩn bị đầu tư, đáp ứng nhu cầu học 1.600 trẻ.

Bên cạnh tiện ích của các trường MN được xây dựng trong khuôn viên KCN-KCX như trên, TP cũng đã tranh thủ tối đa nguồn lực xây dựng các trường MN tại các khu vực liền kề đối với những KCN-KCX không có quỹ đất xây dựng trường. Cụ thể, tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường MN 30-4 từ năm học 2015-2016, khả năng tiếp nhận tối đa 560 trẻ. Trường được xây dựng trên diện tích 2.500m2, với tổng mức đầu tư là 29,875 tỷ đồng. Tại KCN Bình Chiểu và KCX Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức), Trường MN Hoa Mai được xây dựng với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 500 trẻ… Hiện TP đang chuẩn bị khởi công xây dựng các trường MN ở KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và KCN Tây Bắc Củ Chi; đã khởi công 2 trường MN ở khu dân cư phụ trợ liền kề KCN Tân Bình và dự kiến sẽ hoàn thành dự án trường MN ở KCX Linh Trung 1 và KCX Linh Trung 2 vào tháng 8 này.

Bà Thu nhìn nhận, thực tế cho thấy các KCN-KCX đã hình thành đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động, vì thế việc tìm quỹ đất trong các KCN-KCX để xây dựng trường MN rất khó khăn. Thậm chí khi đã chọn được địa điểm thì việc xác định ranh giới đất để xây dựng trường lại bị chậm, do vướng mắc về thủ tục pháp lý như điều chỉnh quy hoạch, đo vẽ… Bên cạnh đó, bà Thu cũng kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế để khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển các trường, lớp MN ngoài công lập tại các KCN-KCX.

Bích Vân

 

Bình luận (0)