Sau thời gian thực hiện thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt, TPHCM đã thu được hơn 14,6 tỷ đồng. Nếu thực hiện quảng cáo đại trà trên 2.344 xe buýt, dự kiến số tiền thu được từ quảng cáo đạt khoảng 170 tỷ đồng/năm.
Trước khi triển khai quảng cáo đại trà trên tất cả xe buýt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, Sở GTVT phối hợp Sở Văn hóa Thể thao, Sở Tài chính và các đơn liên quan đánh giá chi tiết về các mặt thuận lợi và khó khăn trong đợt thí điểm (tháng 4-2016 đến nay) quảng cáo trên 171 xe vừa qua để đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể. Trên cơ sở đó đề xuất phương án mở rộng quy mô thực hiện quảng cáo đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để UBND TP xem xét.
Theo Sở GTVT TPHCM, sau thời gian thực hiện thí điểm, TPHCM đã thu được hơn 14,6 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với dự tính. Sau thời gian triển khai thí điểm, nhiều đơn vị muốn tham gia quảng cáo trên xe buýt, do đó nếu thực hiện quảng cáo đại trà trên 2.344 xe buýt (loại xe có sức chở từ 40 khách trở lên), dự kiến số tiền thu được từ quảng cáo đạt khoảng 170 tỷ đồng/năm, số tiền này góp phần giảm bớt phần ngân sách trợ giá cho xe buýt.
Xe buýt hoạt động tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Trong năm 2015 ngân sách đã trợ giá cho xe buýt là 927 tỷ đồng. Từ năm 2002 trở về trước, các doanh nghiệp vận tải xe buýt đã cho quảng cáo trên xe buýt và doanh nghiệp được hưởng số tiền quảng cáo này. Từ khi thực hiện ngân sách trợ giá cho xe buýt vào năm 2002 đến nay, việc quảng cáo trên xe buýt đã tạm dừng. Mãi đến năm 2015 tại nhiều cuộc họp với Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, một số sở, ngành cho rằng việc chậm trễ cho quảng cáo trên xe buýt gây nhiều thiệt hại vì mất khoản thu để bù đắp gánh nặng ngân sách đang trợ giá cho xe buýt.
QUỐC HÙNG (SGGP)
Bình luận (0)