Dạy thêm, học thêm đang là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, có nhiều ý kiến trái chiều. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
Việc dạy thêm, học thêm ngày nay đã trở thành phong trào làm cho phụ huynh và học sinh không an tâm sẽ thua kém bạn bè nếu không học thêm (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
PV: Dạy thêm, học thêm hiện đang là vấn đề “nóng”, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
– TS. Huỳnh Công Minh: Đây là vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong thời gian khá dài vừa qua. Muốn giải quyết được một cách căn cơ, chúng ta cần phải thống nhất khái niệm và xác định rõ nguyên nhân.
Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
– Trước hết về khái niệm, bản thân việc dạy thêm, học thêm được xã hội tiếp cận và nhìn nhận nó với hai ý nghĩa khác nhau. Một là dạy thêm, học thêm với ý nghĩa tốt đẹp mà chúng ta thường gọi là phụ đạo học sinh yếu hay bồi dưỡng học sinh giỏi. Hai là theo nghĩa tiêu cực, dạy thêm, học thêm chỉ vì thu nhập, ép buộc học sinh học thêm bằng những thủ thuật tinh vi của giáo viên, dạy thêm tràn lan, không theo nhu cầu, tạo nên tâm lý đối phó trong học sinh làm cho quan hệ thầy – trò không còn trong sáng. Theo tôi, về nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan, có thể nêu ba lý do cơ bản sau: Một là vấn đề học tập và thi cử, chương trình học tập trong nhà trường và phương thức thi cử đánh giá có những độ chênh, đòi hỏi học sinh muốn đạt được thì phải học thêm. Không học thêm khó có thể thi đậu. Hai là vấn đề đời sống của thầy cô giáo. Lương cơ bản của nhà giáo thường chỉ đảm bảo được một phần chi phí của cuộc sống. Đòi hỏi giáo viên muốn sống được thì phải bươn chải làm thêm, mà việc làm phù hợp nhất là dạy thêm. Ba là vấn đề tâm lý xã hội. Việc dạy thêm, học thêm ngày nay hầu như đã trở thành phong trào mạnh mẽ đã làm cho phụ huynh và học sinh không an tâm, lo ngại sẽ thua thiệt với bạn bè khi không học thêm.
Theo ông, làm sao để chấm dứt dạy thêm, học thêm trong nhà trường?
– Với nhận thức nêu trên, ý nghĩa tích cực của dạy thêm, học thêm hay nói đúng hơn là phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải được phát huy. Cần phải nghiên cứu khắc phục triệt để việc dạy thêm, học thêm theo nghĩa tiêu cực. Với các nguyên nhân tạo ra tiêu cực ấy, chúng ta cần tập trung giải quyết, trước hết là chế độ học tập và thi cử của học sinh, thu nhập của thầy cô giáo và vấn đề tâm lý xã hội. Phải xây dựng quan niệm đào tạo con người năng lực thay cho con người khoa bảng, không phải đối phó với thi cử trong quá trình đào tạo con người.
Ông có thể cho biết cụ thể là thế nào?
– Đổi mới thi cử, đánh giá phù hợp với chương trình giáo dục trong nhà trường là một hoạt động đang được thực hiện tích cực theo chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước. TP.HCM tích cực đi đầu là một việc làm rất có ý nghĩa góp phần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Bên cạnh, chế độ chính sách giáo viên là một việc rất bức thiết, không những góp phần giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm mà còn có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy nhà trường hoạt động tích cực theo hướng tiến bộ, văn minh và hiện đại theo chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Về vấn đề tâm lý xã hội, ngành giáo dục cần kết hợp chặt chẽ với xã hội thông qua hoạt động thực tế, cùng với hệ thống thông tin truyền thông, xác định hệ thống giá trị của nguồn nhân lực năng lực thay cho khoa bảng, học để đối phó với thi cử.
Như vậy, giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm không phải địa phương có thể làm đơn lẻ mà phải có sự kết hợp với Trung ương, thưa ông?
– Tất nhiên, phải kết hợp chặt chẽ và đồng bộ từ vĩ mô đến vi mô vì đây là vấn đề mang tính hệ thống, không thể đơn lẻ cục bộ mà thực hiện được. Tuy vậy, chúng ta đang có thuận lợi rất lớn trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan vì có liên quan mật thiết với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện của Đảng và Nhà nước về giáo dục, Nghị quyết 29 TW 8 khóa XIX. Tất cả là cơ hội tốt cho thành phố chúng ta chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Trong thời gian chờ đợi sự chuyển đổi từ cấp vĩ mô, với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo địa phương, chúng ta có thể chấn chỉnh vấn đề dạy thêm, học thêm bằng những giải pháp quản lý tại địa phương theo định hướng căn cơ nói trên với tư cách là người đi đầu.
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)