Do thiếu kiến thức nhiều phụ huynh (PH) không biết con mình bị tự kỷ. Hoặc trong trường hợp được cô giáo “đề cập”, PH cũng khó chấp nhận tình trạng của con mình, khiến tình trạng của trẻ không được cải thiện. Những khúc mắc này đã được gỡ rối tại Hội thảo tập huấn công tác giáo dục hòa nhập do Ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật (Sở GD-ĐT TP.HCM) phối hợp với CLB Sống cùng tự kỷ tổ chức vào ngày 26 và 27-7…
BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang đang giải đáp thắc mắc cho GV trong việc sử dụng bảng M-CHAT |
Công cụ tầm soát M-CHAT
Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho giáo viên (GV) 24 quận huyện trên địa bàn thành phố. BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Nhi khoa phát triển-hành vi, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, đồng thời là người đồng sáng lập CLB Sống cùng tự kỷ cho biết, tự kỷ là một rối loạn phát triển liên quan đến thần kinh và di truyền, là một khiếm khuyết về phát triển xuất hiện trong những năm đầu sau sinh và kéo dài suốt đời. Tự kỷ khiến trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập (kém tập trung, diễn đạt kém, hạn chế cơ hội học hỏi), giao tiếp xã hội (không hiểu nghi thức xã hội, không tự khởi xướng tương tác với người khác, dễ bị bắt nạt và lạm dụng), hành vi và cách chơi (lăng xăng, kém tập trung, xung động, gây hấn). Bên cạnh đó, trẻ rối loạn tự kỷ còn gặp vấn đề về bệnh kết hợp như rối loạn di truyền (10-20%), động kinh (20-35%), chậm phát triển (62%), tiêu hóa (20-30%, với các triệu chứng ói, bón, tiêu chảy), giấc ngủ (44-80%, với các biểu hiện trằn trọc, quấy khóc), điều hòa cảm giác (nhạy-kém).
Do đó, BS Trang khuyến cáo, việc tầm soát, phát hiện sớm và can thiệp sớm là một trong những điều kiện quan trọng trong việc giúp trẻ hòa nhập. Theo đó, bảng M-CHAT tầm soát dấu hiệu rối loạn tự kỷ cho trẻ từ 16-48 tháng tuổi (được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã được chuẩn hóa ở Việt Nam) đã được BS Trang phổ biến và hướng dẫn các GV sử dụng một cách tường tận. Nội dung bảng M-CHAT gồm 23 câu hỏi, nếu trẻ có từ 2-3 điểm trùng khớp với nội dung trong bảng tầm soát nghĩa là trẻ có biểu hiện của chứng tự kỷ. Ví dụ như trẻ không cười để đáp lại nụ cười của người khác, không nhìn vào mắt PH (người đối diện) hơn 1-2 giây, không hồi đáp khi được gọi tên, không hiểu điều người khác nói, không đi được, không chơi giả bộ (nói chuyện điện thoại, chăm sóc búp bê, ru em…), không sử dụng ngón trỏ để chỉ hoặc xin điều gì em muốn…
Theo lời khuyên của các chuyên gia, PH nên tham gia CLB để được nâng đỡ về tinh thần, được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để cùng phối hợp với y tế và nhà trường giúp con trong quá trình hòa nhập. Khi có nhu cầu, GV và PH có thể liên hệ với CLB Sống cùng tự kỷ qua website: www.songcungtuky.org, Email:bandieuhanh@songcungtuky.org. |
Ngoài ra, GV hoặc PH còn có thể nhận thấy những biểu hiện “báo động đỏ” như không cười lớn và vui đùa, không bập bẹ và chơi ú òa lúc 9 tháng tuổi; không chỉ ngón trỏ, vẫy tay và nói bái bai lúc 12 tháng tuổi, không nói từ đơn lúc 16 tháng, không nói từ đôi lúc 24 tháng, hoặc mất bất kỳ ngôn ngữ hay kỹ năng xã hội nào vào tất cả các thời điểm.
BS Trang lưu ý, khi nhận thấy các biểu hiện trên, GV nên phối hợp với PH để cùng thực hiện bảng tầm soát, tiếp đó cần nhờ đến y tế can thiệp.
Sẽ nhân rộng trong trường mầm non và cộng đồng
Tham dự tập huấn lần này, lãnh đạo các trường, các chuyên viên phòng giáo dục và GV mầm non cho biết họ đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích và sẽ áp dụng trong năm học sắp tới. Theo cảm nhận của một chuyên viên Phòng Giáo dục quận 2, bảng M-CHAT là công cụ dễ thực hiện và đặc biệt có ích cho các trường chuyên biệt và trường dạy trẻ hòa nhập. Do đó, chị dự tính sẽ tham mưu với đơn vị để triển khai công cụ này cho tất cả các trường áp dụng trong năm học mới.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo giáo dục khuyết tật thành phố, lưu ý M-CHAT là công cụ đã được chuẩn hóa. Do đó, một số đơn vị có dự tính sẽ áp dụng trong năm học mới là điều rất tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không chỉ dựa vào bộ công cụ, mà các GV trong lớp cần có sự phối hợp quan sát và theo dõi, ghi nhận chi tiết những biểu hiện của trẻ mỗi ngày, sau đó báo cáo cho hiệu phó chuyên môn. Khi đã có sự đồng thuận trong đơn vị và thống nhất với PH, mới sử dụng bảng M-CHAT để tầm soát cho trẻ một cách kịp thời, sau đó đưa trẻ đến các cơ sở chuyên môn để được hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Từ Dũ, Phó phòng Mầm non, Phó Trưởng ban chỉ đạo giáo dục khuyết tật thành phố, so với các tỉnh thành thì TP.HCM là đơn vị đứng đầu về công tác giáo dục khuyết tật với rất nhiều trường chuyên biệt, các trung tâm công lập và ngoài công lập. Trong đó có rất nhiều trường mạnh dạn nhận trẻ khuyết tật vào học hòa nhập, từ cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Do đó, với công cụ M-CHAT hữu ích này, các quận huyện nên sớm đưa vào sử dụng, đặc biệt là tuyên truyền cho đội ngũ GV, PH và cộng đồng địa phương (qua các cuộc họp giao ban với địa phương) để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn, đem nhiều lợi ích cho HS, PH và cộng đồng.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)