Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghị định mới có dẹp được mũ bảo hiểm dỏm?

Tạp Chí Giáo Dục

Có nhan nhản mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán trên thị trường nhưng không được xử lý. Những điều không khó để thấy ngay trước mắt nhưng không thể dẹp bỏ thì những điểm sản xuất “chui” tinh vi liệu có dẹp nổi?
Nghị định mới có dẹp được mũ bảo hiểm dỏm?
Sau nhiều lần ra quân kiểm tra, mũ bảo hiểm dỏm, kém chất lượng vẫn bày bán tràn lan trên thị trường – Ảnh: LÊ SƠN

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 87/2016 quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. 

Theo đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm tại TP.HCM, nghị định ra đời cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ đối với việc dẹp loạn thị trường, tạo sự an toàn cho người điều khiển môtô, xe máy.

Đặc biệt, sự ra đời nghị định trở thành “tia hi vọng” cho doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Lê Phong, chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm TP.HCM, cho biết sau nhiều chính sách, chỉ thị, nghị định, thông tư… được ban hành cùng các đợt ra quân rầm rộ của các cơ quan quản lý nhằm chấn chỉnh hoạt động, sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm, nhưng thực tế tình trạng mũ bảo hiểm dỏm, kém chất lượng vẫn phổ biến và liên tục biến tướng.

Nghị định lần này có một số điểm mới nhằm siết chặt khâu sản xuất, kinh doanh với các quy định như: doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý chất lượng được xây dựng, trang thiết bị của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để sản xuất mũ bảo hiểm, có hoặc thuê phòng thử nghiệm…

Như vậy, với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm với người tiêu dùng, những yêu cầu này được họ dần hoàn thiện và không quá khó để đáp ứng những quy định này.

Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy các doanh nghiệp sản xuất “chui” đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo vẫn tung hoành, sản phẩm được bày bán khắp các vỉa hè, đường phố.

Người tiêu dùng vẫn sử dụng những loại mũ này nhằm đối phó cơ quan chức năng thay vì ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân. Như vậy, nghị định này tập trung siết doanh nghiệp “có tóc” chứ chưa có những động thái mạnh tay với cơ sở sản xuất, kinh doanh “chui” hiện nay.

Thực tế, sau hàng loạt chiến dịch ra quân kiểm tra, xử lý, những tuyến đường như Nguyễn Trãi (Q.5), công viên Phú Lâm (Q.6) vẫn ngang nhiên buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng lề đường.

Kết quả kiểm tra cho thấy gần như 100% sản phẩm mũ bảo hiểm bày bán tại đây là mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo tem hợp quy CR, mũ không phải mũ bảo hiểm với giá rẻ từ 50.000 – 70.000 đồng/cái.

Những điều không khó để thấy ngay trước mắt nhưng không thể dẹp bỏ thì những điểm sản xuất “chui” tinh vi liệu có dẹp nổi?

Đến thời điểm này, mũ bảo hiểm được đưa vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện với những quy định cơ bản hoàn thiện về mặt chính sách quản lý. Tuy nhiên, thị trường có lành mạnh được hay không cần có những hoạt động kiểm soát cụ thể, mạnh mẽ, tránh lặp lại vết xe đổ của việc đánh trống bỏ dùi từng diễn ra trước đó.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng được xem là yếu tố “dẫn dắt” thị trường bằng việc chọn cho mình chiếc mũ được chứng nhận hợp quy, đảm bảo chất lượng thay vì để đối phó.

 

LÊ SƠN ghi (TTO)

 

Bình luận (0)