Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), năm nay phổ điểm tiếng Anh thấp là do ở môn thi Tiếng Anh tỉ lệ thí sinh dự thi cao, có đến 80% thí sinh dự thi bởi đây là môn bắt buộc.
“Môn bắt buộc nên thí sinh không giỏi các em vẫn phải thi môn này, vì vậy tỉ lệ điểm liệt sẽ nhiều hơn” – ông Nghĩa thông tin.
So với những năm trước, khối D hoặc khối A1 chỉ có khoảng hơn 100.000 học sinh thi, nếu lấy số học sinh này lọc ra thì phổ điểm sẽ rất cao. Theo ông Nghĩa, cần tính toán một cách nhìn tổng thể, nếu tính số lượng học sinh trên 15 điểm ở tổ hợp ba môn ví dụ như văn – toán – ngoại ngữ sẽ thấy con số này nhiều hơn rất nhiều so với tổ hợp khác.
Phần tự luận chỉ chiếm 20% nên nhiều em đã lựa chọn dành thời gian cho các câu hỏi trắc nghiệm.
Việc nhiều em bị điểm liệt phần tự luận môn tiếng Anh, theo ông Nghĩa đó một phần là do cách lựa chọn làm bài của các thí sinh. Trong 90 phút, thí sinh có thể bỏ phần tự luận chỉ chiếm 20% để dành thời gian làm phần thi trắc nghiệm cho chắc ăn hơn.
Ngoài ra, yếu tố vùng, miền cũng thể hiện số lượng học sinh kém tiếng Anh rất nhiều. Những lần phân tích cho thấy hai TP lớn như Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ học sinh học tốt tiếng Anh cao hơn rất nhiều so với địa phương khác. Nhưng số lượng thí sinh của hai nơi này lại quá ít so với học sinh trong cả nước.
Trong buổi sáng 28-7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết từ năm 2015 môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc, việc thay đổi chất lượng cũng cần phải có thời gian.
Phổ điểm chung thấp, tuy nhiên số lượng thí sinh thi đông, tổng số các em có điểm trên 5 vẫn cao. Do đó, nguồn tuyển sinh không hạn hẹp, các trường không cần quá lo lắng về điều này.
PHI HÙNG (PLO)
Bình luận (0)