Bằng hóa chất, phụ gia, thực phẩm thối không rõ nguồn gốc, thịt heo lại được “hô biến” thành các món đặc sản đang là nỗi kinh hoàng đối với người tiêu dùng (NTD).
Nấm, măng khô… là những nhóm thực phẩm có nguy cơ sử dụng chất phụ gia, chất cấm. Ảnh: T.Anh |
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM – cho biết: Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng “canh cửa” thực phẩm bẩn qua các trạm liên ngành và công khai xử lý vi phạm. Tuy nhiên vẫn còn “lọt sổ” hành vi kinh doanh không trung thực. Nguồn gốc của thực phẩm này là các sản phẩm không rõ nguồn gốc đã phân hủy được xử lý và chế biến hóa chất, chất tạo màu, tạo mùi.
NTD đang phải ăn thực phẩm độc hại
Trước thực trạng hành vi kinh doanh gian dối ngày càng nhiều, ông Hòa cho biết: Chi cục ATVSTP thành phố đang kiến nghị UBND thành phố cho phép thành lập cơ quan an toàn thực phẩm để thực hiện quản lý theo chuỗi, giám sát tại nơi nuôi trồng…
Ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM – khẳng định: Hành vi sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất không đúng với nguyên liệu đã công bố là hành vi gian dối, đánh lừa NTD. Như sản phẩm công bố phù hợp quy định ATVSTP của sản phẩm bò viên với thành phần là 85% thịt bò nhưng thực tế chỉ có 15% thịt bò.
Quý IV: Triển khai Đề án kiểm tra thực phẩm bằng smartphone
Ngày 29-7, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến Đề án kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn thành phố. Theo đó, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai để ngay trong quý IV/2016 thực hiện thí điểm. Bên cạnh đó, Sở Công thương nghiên cứu bổ sung thêm nhiều chủng loại sản phẩm khác như thịt gia cầm, rau củ quả… nhằm đảm bảo ATVSTP.
Thành phố cũng giao Sở Công thương phối hợp với Sở Tư pháp, Sở NN-PTNT xây dựng quy chế quản lý ATVSTP tại các chợ, siêu thị. Lưu ý, các tiêu chí hỗ trợ, quảng bá, khuyến khích các chợ, doanh nghiệp tự nguyện, tích cực tham gia; đồng thời giúp NTD nhận biết và lựa chọn mua sắm; đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia trên cơ sở hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Chứng minh và đảm bảo về chất lượng, ATVSTP để có nhiều lựa chọn cho người kinh doanh và tiêu dùng; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của ban quản lý các chợ, cơ quan thú y… trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhằm xử nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp sai phạm.
Sở Công thương vận động các cơ sở chăn nuôi, trước mắt có sự hỗ trợ về giá để giảm chi phí triển khai, giúp giảm giá sản phẩm, không để quá chênh lệch về giá để NTD yên tâm lựa chọn mua sắm. Góp phần xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch, mở rộng thị phần, gia tăng sản lượng cho nhà sản xuất; phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, thông tin về đường dây nóng để hướng dẫn người dân giám sát, cung cấp thông tin, tố cáo hoạt động giết mổ lậu…
Trước đó, tại cuộc họp với các sở ngành liên quan tới đề án này (ngày 22-7) do ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì. Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết: “Công nghệ truy xuất nguồn gốc là một phần của dự án “Mô hình chợ thí điểm ATTP” được UBND thành phố giao cho Sở Công thương thực hiện trong giai đoạn 2016-2020”. L.Huy |
Theo ông Thảo, TP.HCM hiện có 42 cơ sở sản xuất bò viên do chi cục quản lý. Qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh thực phẩm gian dối, lừa NTD với mức độ vi phạm lớn là “phù phép” thịt heo thành thịt bò, thịt heo giả thành thịt động vật hoang dã như nhím, đà điểu, lạc đà, nai, cá sấu… Thị trường chính của các loại thịt này là nhà hàng, quán nhậu. Điều đáng nói là các cơ sở này đều không có giấy phép kinh doanh.
Ông Dương Kim Hà – Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM – thông tin: “Thời gian qua, Chi cục BVTV thành phố đã tiến hành lấy 10 mẫu (6 mẫu măng ngâm và 4 mẫu cải chua tại hai chợ đầu mối Bình Điền và nông sản Thủ Đức) đưa đi xét nghiệm. Kết quả, phát hiện hai mẫu măng chua có tồn dư hoạt chất Auramine o (chất vàng ô) – loại chất dùng nhuộm vải, đứng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Chi cục cũng đã làm việc với 134 tiểu thương kinh doanh nhóm sản phẩm có nguy cơ cao sử dụng phụ gia, hóa chất như măng chua, măng khô, sả bào, nấm các loại…”.
HÀNH VI GIAN DỐI, LỪA NTD BỊ XỬ PHẠT THẾ NÀO?
Theo luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM): Hành vi gian dối, đánh lừa NTD có thể xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ. Tại điểm b, khoản 8, điều 3 của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD, được xem như hàng giả, gồm:
– Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
– Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa… T.A |
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục BVTV thành phố đã thanh tra tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, nông dân trồng rau và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại TP.HCM, kết hợp lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu ATVSTP. Qua đó phát hiện 5/319 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn tối đa cho phép.
Cần có chợ bán thực phẩm an toàn
Ông Nguyễn Văn Bách – Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM – cho biết: “Sở đang trình UBND thành phố dự án mô hình chợ thí điểm ATVSTP tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn và chợ Bến Thành. Hiện sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguồn hàng an toàn tại các tỉnh lân cận để cung ứng cho thành phố. Bên cạnh đó tập trung thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo”.
Trước lo ngại thịt bẩn sẽ hô biến thành nhân của bánh Trung thu, ông Bách cho biết thành phố đã thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành cùng các quận, huyện tăng cường kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào, bao bì… tại các cơ sở làm bánh.
Ông Thảo (Chi cục Thú y thành phố) cho rằng: Nguyên nhân thực phẩm không an toàn tồn tại là do việc đăng ký kinh doanh quá dễ dàng. Trái lại công tác đăng ký khai báo, hậu kiểm còn thờ ơ, có cam kết nhưng thiếu sự tham gia giám sát… Để “dẹp” thực phẩm không an toàn, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, người dân cần mạnh dạn thông tin đến đường dây nóng khi phát hiện hoặc nghi ngờ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Số điện thoại là: (08) 39. 551. 361; (08) 38. 536. 132.
Cũng theo ông Thảo, thời gian qua Chi cục Thú y TP.HCM đã chi 28 triệu đồng để mua 28 thông tin có giá trị về sản xuất và kinh doanh thực phẩm gian dối. Thời gian tới, chi cục sẽ hoàn tất cơ sở pháp lý để tiến hành thực hiện kiểm tra ADN nguồn nguyên liệu động vật đầu vào với các cơ sở kinh doanh thực phẩm do chi cục quản lý nếu có nghi ngờ.
T.Anh
Bình luận (0)