Xem kết quả thi THPT quốc gia xong, tôi cùng nhiều đồng nghiệp cảm thấy mừng vì học trò… rớt tốt nghiệp nhiều!
Nói ra điều này sẽ có nhiều người phê phán là chúng tôi không thương yêu học trò, là thiếu trách nhiệm… Nhưng khi hiểu rõ sự tình tôi tin sẽ nhận được sự chia sẻ và ủng hộ.
Trường tôi thuộc vùng ven thành phố, nhiều năm liền điểm chuẩn vào lớp 10 rất thấp (bình quân chỉ 2-3,5 điểm/môn là đỗ), nhưng đầu ra với tỉ lệ tốt nghiệp rất cao, thậm chí có những năm đỗ 100%.
Vì vậy mà năm nay, gần 30% học sinh (tương đương với ba lớp học) rớt tốt nghiệp thật sự là một “cú sốc” với nhiều người, đặc biệt là với phụ huynh, học sinh và với lãnh đạo.
Ban đầu chúng tôi cũng cảm thấy buồn, nhưng ngẫm kỹ lại thấy mừng, vì với kết quả này từ năm học tới học sinh sẽ không còn chủ quan lơ là mà sẽ học nghiêm túc, sẽ không còn tình trạng thầy dạy trò ngủ, thầy dạy trò nói chuyện hoặc làm việc riêng. Khi đó sẽ có những giờ học đầy hứng khởi, đầy sự tương tác, chứ không đơn điệu một chiều, nhàm chán đầy tính đối phó như bấy lâu nay.
Thật ra, kết quả rớt tốt nghiệp nhiều với gần 30% đã được dự báo từ trước, dựa trên cơ sở học lực quá yếu của các em. Kết thúc học kỳ 1 lớp 12, chỉ chưa tới 1/4 em đạt học sinh tiên tiến, còn lại là trung bình và yếu, nghĩa là mới chỉ 25% em đảm bảo đỗ tốt nghiệp.
Dù rất buồn nhưng chúng tôi chấp nhận kết quả này, nhằm giúp các em biết năng lực thật sự của mình ở đâu để cố gắng. Học sinh các khóa sau cứ nhìn vào thực tế này để tự răn mình mà biết sợ!
Thiết nghĩ, kết quả trượt tốt nghiệp nhiều là cú sốc cần thiết cho cả thầy và trò, để có được môi trường giáo dục “dạy thực chất, học thực chất”. Vì thế chúng tôi mừng vì con số gần 30% học sinh rớt sẽ có giá trị thức tỉnh, chứ không phải mừng với tinh thần lạc quan của AQ!
HOÀI THUẬN/TTO
Bình luận (0)